(DVO) - Nghề lái xe trâu (tắc- hò- rì) không phải học để thi lấy bằng lái, chỉ cần chịu thương chịu khó làm việc và tích lũy kinh nghiệm, chịu đựng với thời tiết nắng đến chảy mỡ hay mùa đông rét buốt thấu xương.
< Xe trâu, phương tiện không thể thiếu với người dân vùng cát Vinh An, Vinh Mỹ.
Về làng Hà Úc (xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc xe trâu chạy lóc cóc trên đường nhựa hoặc đang lội dưới đồng ruộng bùn lầy để vận chuyển hàng nông sản cũng như những thứ hàng hóa khác theo yêu cầu của người thuê.
Anh Đào Văn Phúc, 31 tuổi, ở cụm 5, làng Hà Úc đã có 9 năm làm nghề lái xe trâu cho biết: Trước đây, trâu chủ yếu dùng để cày bừa, để bán cho thương lái giết thịt. Nay con trâu còn làm công cụ để kéo xe chuyên chở hàng nông sản, tiện lợi lắm!
< Anh Đào Văn Phúc đang lái xe trâu trên con đường làng.
Cũng như anh Phúc, anh Nguyễn Quát - một cư dân ở đây làm nghề này đã 16 năm chia sẻ: “Học hết lớp 5 ở trường làng thì tui nghỉ học vì gia đình khó khăn, lúc đầu tui học nghề hàn cơ khí nhưng thu nhập quá ít ỏi. Thấy ở địa phương mình nhu cầu vận chuyển hàng hóa của bà con ngày càng nhiều nên tui quyết định chuyển sang nghề lái xe trâu từ năm 1996”.
Ở làng Hà Úc hiện có khoảng 40-50 chiếc xe trâu đang hoạt động đều đặn quanh năm. Do đặc thù công việc của nhà nông nên người điều khiển xe trâu phải là thanh niên khỏe mạnh hoặc các bác, các chú ở độ tuổi trung niên nhưng sức lực còn bền bỉ, dẻo dai.
Trước khi bắt tay vào công việc, người ta phải cho trâu ăn thật no nê, uống thật đã khát, dùng dây vải buộc vào các móng chân để trâu khỏi bị mòn vó ( đi đường bê tông thì buộc vó lại kẻo bị long móng, sưng vó, đi đường cát thì tháo vó để trâu khỏi bị mỏi chân ), sau đó tra trâu vào còng xe rồi cầm dây cương điều khiển theo chủ ý của mình. Nhiều khi trâu làm việc kiệt sức, mệt lã thì phải cho nó ăn uống bồi dưỡng, tẩm bổ như ăn đọt ngô, đọt mía non, cám bột sắn, uống nước đường hoặc cho nghỉ ngơi vài ngày để phục hồi sức khỏe mà tiếp tục công việc.
< Tập kết gỗ, củi lên xe trâu.
Dulichgo
Anh Phúc cho biết: Ngày nào ít việc thì cũng khiếm được 100-200 ngàn, ngày nhiều việc lên đến 300.000đ/người/ngày. Vào mùa vụ thu hoạch lúa hay chở cây, người ta mướn chở hàng quá nhiều không đáp ứng kịp thì phải thuê lại xe khác chở giúp.
Hàng ngày, anh Phúc phải dậy sớm từ 1 giờ sáng để đi cắt cỏ xa hàng chục cây số, sang các xã lân cận như Vinh Phú, Vinh Thái, Vinh Hiền, Vinh Hà… Mỗi ngày, trâu xe ngốn vào bụng nó chừng 30 kg cỏ, 5 kg cám bột sắn và 10 lít nước máy, 2 lít nước đường. Mùa hè, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông-Xuân, gieo xạ xong vụ Hè-Thu, bà con nông dân tổ chức xây dựng, sửa sang nhà cửa nhiều hơn nên xe trâu có dịp “ăn nên làm ra”. Trâu chở lúa, chở đất, chở cát, chở cây, chở củi… Từ hàng nông sản cho đến vật liệu xây dựng, xe trâu đều “chơi ” hết.
Nếu xe ben, xe chở hàng chuyên nghiệp chỉ đi được trên đường bê tông, đường đất cứng thì xe trâu thích hợp với mọi địa hình, mọi cung đường từ leo dốc, leo đồi cao cho đến lội xuống vực sâu, bùn lầy để kéo hàng. Một xe trâu có thể chở từ 5-7 tạ cho đến nặng cả 1 tấn.
< Nhờ nghề lái xe trâu, người dân vùng cát có thu nhập khá, nuôi con ăn học.
Xe trâu không tốn kém nhiên liệu xăng dầu mà chỉ cần sử dụng sức trâu kéo và sự điều khiển của con người. Tuy nhiên, không phải con trâu nào cũng kéo được xe. Trâu xe phải là trâu đực, vì trâu đực có sức mạnh dẻo dai, độ bền bỉ, chịu đựng với công việc nặng hơn trâu cái. Để chọn 1 con trâu xe ưng ý, người ta phải cưng dưỡng, vỗ béo nó ngay từ khi nhỏ, đến 4 tuổi thì trâu đã trở thành một “chàng trâu” lực lưỡng, sẵn sàng lên bờ xuống ruộng để kéo hàng, ngoan ngoãn làm theo sự sai khiến, chỉ bảo của “ông chủ”.
Dulichgo
Tôi hỏi vui: Có khi nào xe trâu chở quá tải, các anh bị “cảnh sát làng” tuýt còi xử phạt chưa? Anh Phúc tươi cười, bảo: “Làm chi có, mình lái thiệt an toàn, cho xe đi chậm là được rồi! Từ trước đến nay ở làng tui chưa có trường hợp nào bị tai nạn do xe trâu gây ra. Còn trâu điên chạy loạn xạ húc người bị trọng thương thì có rồi…”.
Nhiều người làm nghề lái xe trâu tại Hà Úc kỳ vọng rằng, dù xã hội có văn minh hiện đại đến đâu, thì con trâu và những chiếc xe trâu vẫn tiếp tục tồn tại với làng quê thanh bình này. Xe trâu vẫn mãi mãi là người bạn đồng hành với người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, là hình ảnh rất đỗi quen thuộc của làng quê Việt Nam từ bao đời nay.
“Kỹ nghệ” chọn và cúng trâu ngày Tết.
Theo kinh nghiệm dân gian, trâu được chọn kéo xe phải là trâu đực, ăn khỏe, có vóc dáng thấp, chân, sừng mập, cổ to và màu long bạc. Nhiều con trâu khôn, có thể tự lấy sừng hất gọng kéo lên cổ khi kéo và bỏ gọng xuống khi xong công việc, không cần gia chủ phải trợ giúp. Xe trâu vùng cát có đặc điểm phải trang bị thêm cho trâu đôi “vó” bằng cao su để có thể đi lại trên đường cát, bê tông,...
Tục cúng trâu ngày Tết có lẽ chỉ có ở vùng cát ven biển Vinh An, Vinh Mỹ bởi con trâu không chỉ là niềm cứu cánh mưu sinh mà còn là gia sản cả một đời với thôn dân làng cát. Thường từ ngày 25 (ÂL) trở đi, sau khi gác xong công việc đồng áng, trâu xe được gia chủ “tắm bữa tất niên” rửa sạch những bụi bẩn, mệt nhọc sau một năm lao động cật lực. Trâu được đem ra các giếng làng, gia chủ bắt nó nằm xuống, dùng vỏ dừa cọ xát trên lưng, đầu, sừng trâu.
Sau khi tắm rửa, trâu được cắt những bó cỏ non về “chiêu đãi” một bữa no nê trước Tết. Sáng mồng một, trâu xe được gia chủ dậy sớm sắm hai mâm cổ đầy đủ, thịnh soạn: Một mâm đặt trước hiên nhà cúng các thần linh, phù hộ cho trâu được khỏe mạnh, kéo cày tốt; một mâm được đặt trước cửa chuồng để cúng “thần chuồng”. Trên mâm cỗ này có tranh thờ con trâu ở làng Sình và một ít giấy bạc. Cúng lễ xong, tranh thờ con trâu được mang treo đầu chuồng suốt trong những ngày Tết, giấy bạc được đặt lên sừng trâu. Xong xuôi các công đoạn, chủ nhà lấy xôi hoặc miếng bánh chưng, gói vào trong lớp cỏ non vừa cắt cho trâu “ăn tết”.
Tục cúng trâu ngày Tết tùy điều kiện mỗi gia đình mà mâm cỗ thịnh soạn khác nhau, nhưng đã từ lâu, lễ cúng vẫn được người dân duy trì, bởi bà con tin rằng, lễ cúng trâu ngày Tết không chỉ cầu mong sự khỏe mạnh, cày kéo tốt ở con trâu mà còn như một sự tri ân đối với “đầu cơ nghiệp” sau một năm lao động vất vả (Nông Nghiệp).
Theo Võ Văn Dần (Báo Dân Việt)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét