Lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn (Phần 1)

Em và Chuẩn vẫn ngồi lỳ ra ở quán nước và kiên nhẫn chờ những thanh niên trong bản đi ra, gặp ai cũng túm lại hỏi thăm và đề nghị đi cùng...
Chuyến leo núi Ngũ Chỉ Sơn cao 2800m, ngọn núi được mệnh danh là đẹp nhất vùng Tây Bắc nằm cách thị trấn Sapa 40km này được em thực hiện hồi đầu năm 2013. Nó đẹp và ấn tượng tới mức hôm nay em vẫn nhớ từng bước chân mỗi khi lần giở lại ảnh của chuyến đi.

Dự tính leo Ngũ Chỉ Sơn của em thì từ khá lâu rồi, bởi trong giới phượt, đã có một số thông tin sai lầm về ngọn núi, một số nhóm phượt chuyên trek đã tìm cách leo Ngũ Chỉ Sơn nhưng thông tin về chinh phục đỉnh thì hoàn toàn không có, ít nhất là trên internet. Trước sau Ngũ Chỉ Sơn vẫn là một địa danh hoàn toàn mơ hồ và huyền hoặc trong giới du lịch bụi.

Kế hoạch "khùng" của hai gã đàn ông

Thời điểm trước em tìm hiểu thông tin về leo Ngũ Chỉ Sơn thì hoàn toàn không có thông tin gì cả. Tìm cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cả bính âm Trung Quốc (Wuzhishan) cả web tìm kiếm trong và ngoài nước (baidu) thì chỉ toàn nói về con đường Ngũ Chỉ Sơn đầu thị trấn Sapa, vài cái lễ hội dưới chân núi hay câu chuyện về cậu bé người Mông mơ ước mình chế tạo máy bay để chinh phục đỉnh núi huyền thoại.

< Ba nhóm phượt đã tìm cách chinh phục Ngũ Chỉ Sơn, nhưng sau bao nỗ lực thì kết quả là dừng lại ở vách đá này.
Dulichgo
Đáng chú ý nhất là serie bài "Lên Tả Giàng Phình ngắm Ngũ Chỉ Sơn", được hàng loạt các báo điện tử copy lăng xê rằng Ngũ Chỉ Sơn là đỉnh núi cao thứ 2 ở Việt Nam với độ cao 3096m, chỉ sau Fanxipan. Bài báo cũng kể về truyền thuyết hình thành dãy núi, đó là câu chuyện vị thần người H'Mong chiến đấu với Nhà Trời, mà đại diện là thần Sấm thần Sét hình thành nên dãy Ngũ Chỉ Sơn. Bài báo đó đây, em xin trích một đoạn để các bác hiểu vì sao nó lại có tên là Ngũ Chỉ Sơn:

Truyền thuyết xưa kể rằng: từ thủa trời đất còn tối tăm mờ mịt, mặt đất bằng phẳng trơn tru. Bỗng xuất hiện một vị thần thân hình vạm vỡ, cao lớn khoẻ mạnh phi thường. Một mình ông chuyên làm công việc tạo dựng nên núi non, sông biển. Ông gồng sức lên làm việc hăm hở miệt mài. Ông đào đất đắp nên đồi thấp núi cao. Chỗ ông lấy đất tạo thành biển rộng và ao hồ. Ông khéo léo tạo nên những suối khe nối với sông con, sông cái, dẫn nước vào ao, vào hồ rồi chảy ra biển rộng. Cuối cùng ông dồn tất cá đất đá đắp một dãy núi thật cao.

Dãy núi ấy được đắp cao dần, cao mãi, cao vượt tầng mây đen mây trắng, cao đến tận tầng mây tím, mây xanh, chóp núi nhô đến tận xứ sở Nhà Trời. Nhà Trời thấy thế giận lắm, liền sai thần Sấm Sét đến đánh suốt mấy ngày đêm. Thần Sấm Sét gầm thét, chớp rạch sáng loè, đất trời rung chuyển. Dãy núi cao ngạo nghễ ấy bị sứt mẻ, còn lại năm ngọn núi cao ngất như năm ngón tay chĩa thẳng lên trời như thách thức. Thần Sấm Sét kiệt sức, đành phải bỏ về. Năm ngọn núi cứ đứng vững vàng như thế cho đến ngày nay. Người ta đặt tên cho núi ấy là Ngũ Chỉ Sơn, tức là núi Năm Ngón Tay.

Kỳ thực, báo chí cũng như một số nhóm phượt đã nhầm lẫn giữa độ cao và cả địa giới của Ngũ Chỉ Sơn với đỉnh Pú Tả Lèng, một ngọn núi nằm giữa xã Tả Lèng và xã Hồ Thầu, thuộc địa phận Lai Châu, và cũng nằm trên địa giới hành chính giữa Lai Châu với Lào Cai. Ngay cả từ điển bách khoa nổi tiếng wikipedia cũng ghi danh núi Tả Giàng Phình với độ cao 3096m.

Về đỉnh Pú Tả Lèng thực sự cao 3096m (địa lý VN), một nhóm bạn em đã cất công chinh phục đỉnh bằng con đường từ xã Hồ Thầu, nằm trên QL 4D cách TX Lai Châu khoảng 10km. Chuyến đi này cũng đã được báo chí cũng như các diễn đàn du lịch nhắc tới nhiều như một kỳ tích của dân du lịch bụi và thực tế nó chỉ cao 3049m. Nhưng những bí mật của đỉnh Ngũ Chỉ Sơn vẫn còn đó, như đỉnh núi vẫn ngạo nghễ vươn lên trời cao trêu ngươi dân phượt và những kẻ phiêu lưu mạo hiểm.

Một ngày đầu năm 2013, giáp tết Quý Tỵ, em chia sẻ với Chuẩn, một người bạn làm ở Công ty du lịch Khám phá Việt Nam về những thông tin của ngọn núi. Vốn là dân mê nhảy dù, ham thích độ cao, anh bạn ngay lập tức nhận lời đồng hành đi tìm hiểu ngọn núi này. Bọn em đều là dân văn phòng, vốn leo núi chỉ là thú vui để thoát khỏi không khí ngột ngạt của đất Hà Nội bụi bặm và bon chen, chứ chả phải chuyên nghiệp gì, nên xác định là leo tay bo chứ không có dụng cụ leo kỹ thuật.

Dựa trên bản đồ địa hình, em vạch ra cung đường chi tiết. Với lý luận rằng, nếu tiếp cận đỉnh núi từ phía Đông Bắc, nghĩa là đi từ xã Tả Giàng Phình, sẽ vấp phải những vách đá dựng đứng như những lần thất bại trước đây của nhóm Long Nhong, một nhóm phượt nổi tiếng trên ttvnol, hay những chuyến đi của LT cùng đồng bọn. Những nhóm này từng nhiều lần thám thính và tổ chức leo Ngũ Chỉ Sơn nhưng đều thất bại.

< Ảnh này của bài báo đó luôn, để các bác thấy được ngọn núi nó góc cạnh thế nào.

Tuy nhiên nếu tiếp cận từ phía ngược lại, đi từ Bình Lư, thuộc Phong Thổ, Lai Châu thì sẽ có nhiều cơ hội hơn. Từ phía này, trông sống núi có vẻ thoải hơn, có nhiều hơn các phương án tiếp cận để lên đỉnh theo các mạch suối có thể trông thấy trên đường địa hình. Vẫn biết là từ bản đồ địa hình tới thực tế nó khác xa nhau, chỉ cần 10m vách núi dựng đứng là có thể chặn đứng mọi kế hoạch hay nỗ lực của dân không chuyên, nhưng trong 2 phương án thì tiếp cận từ Bình Lư vẫn có nhiều khả năng lớn. Lập kế hoạch xong, Chuẩn về tập thể lực gấp, còn tính em vốn cẩn thận nên em chọn ngày lành tháng tốt, hai anh em xuất hành lên đường.

Việc xem ngày tháng là rất quan trọng trong những chuyến leo núi, vì với những đỉnh núi hoang vu việc thành công hay thất bại là 50:50 nếu đã biết rõ cung đường, 50% khả năng thất bại là do thời tiết. Đối với Ngũ Chỉ Sơn, chuyến này em xác định luôn 20% thành công, còn 80% là thất bại. Vì trước khi đi, ngoại trừ kinh nghiệm đi rừng em chả có thông tin gì. Cũng chưa liên hệ porter, guide. Lên Sa Pa rồi hẵng hay.

Để các bác không quen leo trèo hay đọc bản đồ địa hình của google hình dung được, em up lên đây cái bản đồ khu vực này để dễ hình dung.

Chỗ em đánh dấu mũi tên to là dãy Ngũ Chỉ Sơn. Trông trên bản đồ vệ tinh, chỗ nào đen sì sần sùi nghĩa là vách núi dựng đứng, ánh mặt trời không xuống được nên vệ tinh không chụp được rõ hình. Chỗ ô quả trám là điểm em chọn xuất phát, còn phía kia là bản Tả Giàng Phình, nằm trên đường đi Mường Hum. Góc dưới bên phải là thị trấn Sapa và khu leo núi Fan xi pan.
Dulichgo
Ở đây em mở ngoặc chút là đối với bọn em, leo Fan là dễ nhất. Sức em có thể leo trong ngày cung Trạm Tôn - Trạm Tôn. Lý do là có porter vác hết đồ rồi, mình chỉ lang thang chụp ảnh. Còn những ngọn núi khác bọn em tự leo, chả có ma nào mang balo cho mình. Tự mang đồ ăn, dao rừng, lều trại... Ba lo cỡ 12-15kg tùy số ngày trong rừng.

Ban đầu, em đặt tên cho kế hoạch khảo sát này là "Xuyên tâm Ngũ Chỉ Sơn - ngọn núi hùng vĩ nhất vùng Tây Bắc", với ý định đi xuyên qua chân những vách đá đá dựng đứng, tìm đường đi từ bên sườn Tây Nam qua bên kia sườn Đông Bắc, nghĩa là đi cắt từ Bình Lư - Lai Châu sang Tả Giàng Phình thuộc Bát Xát, Lào Cai. Quãng đường cỡ 30-50km tùy suối. Bằng trực giác và kinh nghiệm, em tin rằng có con đường xuyên qua những khe núi này, vì quan sát trên ảnh vệ tinh, thấy những khu vực ven suối Thầu và suối Trung Sơn thuộc địa phận xã Tả Giàng Phình bị khai thác tới kiệt quệ, toàn đồi trọc, nương lúa.

Từ ngàn xưa, người Mông đã vào rừng kiếm củi, săn con thú, chặt cây làm nhà, rồi sau đó đốt nương làm rẫy hoặc trồng sấy thảo quả kiếm kế sinh nhai, vì vậy việc vào rừng núi đối với họ cũng tự nhiên như người Kinh ra đồng trồng lúa, tát cá đánh giậm vậy. Rừng phía này đã cạn kiệt rồi, tất phải tìm đường qua núi sang bên kia kiếm cái nương, đánh bẫy con thú lớn hơn ở sâu trong rừng già. Những con đường mòn cứ thế hình thành theo thời gian, chỉ khác nếu chúng không có dấu chân người đi qua thì cây rừng sẽ nhanh chóng lấp đi khoảng trống. Vì vậy chỉ có những con đường mòn men theo suối là sẽ tồn tại lâu.

Theo kinh nghiệm đó, bọn em vạch cho mình kế hoạch đi theo con suối lớn nhất, bắt nguồn từ bản Chu Va, lên tới đầu nguồn rồi lần theo những dấu chân người thợ rừng để tìm được nơi gần nhất tiếp cận các đỉnh núi. Đối với việc tìm đường lên các ngọn núi hoang vu, Việc phát cây mở đường lên các đỉnh hoang vu chỉ là bất đắc dĩ mà thôi. Hơn nữa hiện nay thú hoang còn rất ít nên không còn nhiều thợ săn núi cao, đa phần chỉ còn các nương thảo quả của người Mông với độ cao tối đa là 2200m. Lên nữa là địa phận của rừng già, hoặc giống trúc cao với khả năng phát triển và chiếm đất khủng khiếp. Lên trên nữa, tới các đỉnh núi hoặc sống gió là lãnh địa của giống trúc lùn, vốn tiến hóa để thích nghi với không khí lạnh, lượng nước rất ít và đặc biệt, gió núi gào thét quanh năm.

Việc trekking trong rừng già trên núi cao ở Việt Nam là trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với trekking Himalaya, hay các ngọn núi nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như núi lửa ở Indo, Phillipines, hay đỉnh Kinabalo ở Malay - nóc nhà Đông Nam Á. Ở Việt Nam, ta có nhiều cây, rừng già và hệ động thực vật khá phong phú, còn các tour nước bạn hầu như phải trek trên núi trọc. Sau khi đọc topic này của em, các bác sẽ thấy trải nghiệm rừng già thú vị và cũng hết sức mạo hiểm như thế nào.

< TT. Sa Pa ngày 17/1/2013, nhìn từ ban công khách sạn Mùa Xuân.

Đi từ Hà Nội lên Sapa bằng xe riêng, mà chặng đường từ HN-Sapa quá quen thuộc rồi, em xin phép không nói tới nữa. Em xin bắt đầu từ Sa Pa.

Sáng sớm 17/01/2013, thị trấn Sapa đón bọn em bằng những màn sương mờ quen thuộc. Không khí Sa pa ướt đẫm, gió Đông Bắc thổi nhẹ, nhiệt độ khoảng 9-11o C, hứa hẹn một chuyến đi ướt át trơn trượt. Ông chủ khách sạn Mùa Xuân, nơi bọn em ngủ qua đêm trước với giá 200K ái ngại nhìn hai thằng thanh niên mảnh khảnh đeo những cái ba-lô to tướng sau lưng: "Leo Fan à? Mấy hôm nay lên núi là rét đấy, các chú đã có guide chưa?"

Dường như ở đây mọi người đã quá quen thuộc với những du khách leo Fan đông như trảy hội mỗi kỳ nghỉ dài. Nặng nề khoác những chiếc balo trên vai - đợt này em đã cẩn thận mang đủ đồ ăn cho cả tuần trong rừng cũng như đầy đủ lều trại, túi ngủ, khăn áo, giày dép, găng tay leo núi, nên mỗi ba lô cỡ 15kg. Chuẩn còn cẩn thận chạy ù ra chợ Sa Pa mua thêm con dao rừng, vài đôi pin và cái đèn dự phòng. Ăn sáng cafe ở một góc quán quen thuộc, lặng ngắm thị trấn mù sương, rà lại trong đầu xem còn những thứ thiết yếu nào bỏ quên hay không - đó là những phút giây thanh bình nhất trước chuyến đi khảo sát đầy mơ hồ vào những đỉnh núi hoang vu.

< Cái ảnh này là view từ nhà anh chị sang dãy Fan Si Pan

Bất chợt, em nghĩ tới một gia đình tốt bụng sống ở lưng chừng đèo Ô Quy Hồ. Anh chị Bình Lan từng cho em gửi nhờ xe ô-tô suốt cả tuần trong chuyến xe đạp vượt đỉnh sừng trời Nhìu Cồ San bữa trước mà không lấy tiền (Em từng vác xe xuyên rừng đi từ Bát Xát sang Phong Thổ bằng con đường đá cổ Nhìu Cồ San khoảng 80 km đường rừng. Em mới bốc máy gọi hỏi nhờ anh tìm giúp một bác porter người Mông để đi cùng từ Bình lư sang Tả Giàng Phình. Anh chị đã đôn đáo điện thoại khắp nơi để tìm người, nhờ cả anh Cường trước là dân trồng thảo quả ở Bình Lư tìm hộ.

Nhưng do thời gian quá gấp, lại đúng vào vụ đào mận giáp tết, người Mông đổ hết lên rừng tìm đào về bán tết, nên không thể tìm được ai đi cùng. Tuy nhiên có một thông tin từ anh Bình mà em và Chuẩn hết sức vui mừng: Anh khẳng định trước đây dân buôn "hàng trắng" từ biên giới vẫn theo đường rừng từ Tả Giàng Phình qua Bình Lư để tránh chốt Sapa, sang phía Lai Châu để vận chuyển về xuôi. Bọn em lên đèo Ô Quy Hồ và ghé vào thăm nhà anh chị, lúc đó em mở bản đồ mô tả sơ qua lộ trình dựa trên bản đồ địa hình, anh khẳng định như đinh đóng cột chính xác con đường đó, "con đường trắng" là con đường bọn em muốn đi.

< Xung quanh nhà bác ý vẫn còn vài chậu cây cảnh 138, dùng ngâm rượu thôi.
Dulichgo
Ngày đó, trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ đang rét đậm, anh Bình ngồi trước bếp củi rít thuốc lào kể lại thời trai trẻ oanh liệt của mình. Ánh mắt như xa xăm đượm trong khói thuốc, những nếp nhăn hằn sâu và bàn tay gai góc chứng tỏ sự từng trải của người đàn ông ngoài 40 tuổi. Anh kể trước đây anh kiếm được rất nhiều tiền nhờ thảo quả, rồi chẳng biết tiêu tiền vào đâu, anh chơi ma túy, rồi bập sâu vào tận hàng trắng. Trải qua 8 năm vật vã cai, vật vã bán từng thứ tài sản của gia đình, hành hạ vợ con, anh đã quyết tâm cai được 2 năm rưỡi trời không tái nghiện. Nhìn gia sản của anh, chị vợ tháo vát đảm đang, tấm ảnh chụp cậu con trai hiền lành học đại học ở Hà Nội, thật khó tin chủ nhà lại từng là con nghiện.

Nói đến leo đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, ánh mắt anh sáng lên nhưng lại tối lại ngay, anh phải ở nhà bán hàng dịp giáp tết, còn em thì nghĩ rằng bác ý không muốn đi vào con đường cũ, dẫu là theo nghĩa đen. Hai thằng đành tạm biệt gia đình, tiếp tục vượt đèo Ô Quy Hồ hướng về phía Bình Lư, còn chị Lan vẫn liên tục gọi các cuộc điện thoại tìm giúp người đi cùng.

< Trên đường đi Bình Lư.

Tới bản Chu Va cách thị trấn Bình Lư vài km, nơi bọn em dự tính là điểm khởi hành từ quốc lộ 4D. Bản này nằm ở chân một ngọn núi nhìn cực phê, đỉnh trông như everest luôn, em tạm gọi nó là đỉnh Chu Va. Đỉnh Chu Va đối diện với Ngũ Chỉ Sơn, cao 2200m, suối dưới chân là 1400m, chính là khởi nguồn của dãy Fan. Phía sau nó là đỉnh cao 2500m. Nhưng núi này trọc rồi, em không khoái leo cho lắm.

Các bác biết đấy, đèo Ô Quy Hồ là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, nhưng vượt qua nó bằng xe ô tô chả để lại em dấu ấn nào nên em không chụp ảnh. Mọi tâm trí của em đều dành hết cho Ngũ Chỉ Sơn rồi.

Theo kinh nghiệm em dừng lại ở quán nước lớn nhất ven đường, kêu chai nước rồi bắt đầu dò hỏi thông tin. Chủ hàng là người Kinh, và bản này người Kinh với Mông sống lẫn lộn với nhau trong một cộng đồng. Không ai biết về con đường vượt núi mà em mô tả, họ đều trả lời như nhau: không, đi đường Ô Quy Hồ thôi, trên đó làm gì có đường!

Em và Chuẩn vẫn ngồi lỳ ra ở quán nước và kiên nhẫn chờ những thanh niên trong bản đi ra, gặp ai cũng túm lại hỏi thăm và đề nghị đi cùng, nhưng họ đều lắc đầu từ chối. Ngay cả khi vào nhà bác A Chu trưởng bản tìm người, mọi người cũng quan tâm câu chuyện của hai gã thanh niên mảnh khảnh, quần áo rằn ri hoặc màu sắc kỳ lạ với cái kế hoạch vượt núi điên rồ nhưng không ai nhận lời. Hai gã này điên thật rồi, có lẽ họ nghĩ thế. Sao không đi đường Ô Quý Hồ mà cứ dứt khoát phải chui vào rừng sang bên kia? Thậm chí A Trải người cùng bản còn đồ rằng chắc bọn em đi tìm vàng hay kho báu nào đó trên núi.

Ngồi tới hơn 12h, em bắt đầu nản chí với những thanh niên bản "lười nhác" ở đây thì ngoài sân, một thanh niên nhỏ con cưỡi chiếc xe win đi vào. Khác với mấy người anh em, A Sinh, cháu rể ông Chu trông có vẻ thuần chất H'Mông hơn cả, dáng người nhỏ bé nhưng rắn rỏi, bước đi thì đủng đỉnh chả có vẻ gì là bận rộn. Hỏi qua chuyện, được biết Sinh cũng đang chuẩn bị đi tìm đào nhưng chưa đi vì còn bận. Em lại lóe lên hy vọng và một lần nữa trình bày kế hoạch của mình - không biết lần thứ bao nhiêu.

A Sinh vốn là người Tả Giàng Phình, lấy vợ bên này rồi chuyển luôn nhà sang đây ở mới được hơn năm - vì bên đó cái rẫy thảo quả không còn, rừng bị chặt hết rồi, chỉ còn bên này thôi- A Sinh giải thích. Sinh nói cậu thông thuộc các ngọn núi Ngũ Chỉ Sơn từ phía Tả Giàng Phình, nhưng cũng chưa bao giờ vượt qua ngọn núi để sang bên kia.

< Mick Palarczyl at front of Five fingers Mt, Tam Duong, Lai Chau.

Em mới mạnh mồm nói rằng, chỉ cần A Sinh đi theo mang đỡ đồ ăn, đường xá đã có máy móc lo, rồi giơ cái iPad lên giải thích một hồi, rằng cái này nó hiện đại lắm, anh chưa tới đây bao giờ nhưng địa hình chỗ nào anh cũng biết rõ. Để chứng minh cho lời nói của mình, em bảo Sinh: Mình sẽ đi từ đầu con suối này, tới ngã ba rồi rẽ phải, qua một ngã ba suối nữa rồi đi lên tiếp. A Sinh ngạc nhiên vì sự mô tả chính xác của em và từ đó có vẻ tin tưởng hơn.

Tuy nhiên để A Sinh cuối cùng cũng nhận lời đi, bọn em đã phải mất gần 1h đồng hồ kiên trì thuyết phục, trình bày kế hoạch các kiểu. Với cái giá 200,000đ/ngày, bọn em ăn gì A Sinh ăn nấy, đi bao nhiêu ngày không quan trọng, miễn là tới được đỉnh. Em vỗ vỗ vào balo khoe rằng, với gần chục kg đồ ăn, bếp núc này, ba anh em có thể ở trong rừng ăn uống đàng hoàng 4-5 ngày. Còn nhớ em đã mừng như mở cờ trong bụng khi Sinh nhận lời, chạy về lấy dao rừng, áo khoác, còn hai anh em lấy kẹo bánh làm quà cho gia đình bác Chu rồi gửi xe ô tô lại, nhờ một cuốc xe ôm đưa đến đầu con suối trên quốc lộ 4D, nơi được chọn làm điểm xuất phát của chuyến phiêu lưu.

Từ phía quốc lộ 4D, em không biết hình dáng Ngũ Chỉ Sơn như thế nào, hôm đó mây mù dày đặc mà. Em mượn tạm cái ảnh của ông nhà báo nổi tiếng thế giới, nhiếp ảnh gia người Hà Lan Mick Palarczyl, người đã dựng lều ở đây suốt 2 ngày để rình chụp Ngũ Chỉ Sơn.

Ngày 1 trekking - Khe núi dốc đứng và con đường bí mật

< Đây là nơi khởi đầu chuyến trek của em.

Con suối Bình Lư có đầu nguồn chảy từ đỉnh núi men theo sườn Tây Nam của dãy Ngũ Chỉ Sơn hợp lưu với một dòng suối khác từ đỉnh Fanxipan đổ xuống dòng Nậm Mu rồi men theo tỉnh lộ 106 cuối cùng hòa mình vào Sông Đà chảy xuống đồng bằng. Nó góp phần làm trù phú một vùng rộng lớn, cung cấp năng lượng dồi dào cho các thủy điện Bình Lư, Thủy điện Mường Kim.

Nhưng ngay đầu nguồn, nó đã được dùng cho một mục đích kinh tế đặc biệt. Dòng nước lạnh giá chảy từ độ cao 2600m rất thích hợp cho việc nuôi giống cá hồi nước lạnh từ tận Bắc Âu xa xôi. Với mức giá dao động từ 300-500tr.đ/tấn, cá hồi đang là lĩnh vực hái ra tiền của những ông chủ vùng cao, đồng thời tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương.

< Trang trại cá hồi ở Bình Lư.

Những bước chân đầu tiên của chuyến đi, bọn em lội bộ dọc theo con suối lạnh ngắt đó, men theo một trang trại cá hồi xây thô sơ, những bể bê-tông được lót đáy bằng tấm nhựa xanh lè nhằm trữ nước để trôi tuột xuống những khe đá. Nước suối khá lớn, lưu lượng dồi dào, nhưng nước chảy xuống bể cá được lấy các khe sạch có độ cao trên 1500m, nơi trâu bò không tới được, nhằm tránh dịch bệnh và các hàm lượng vi chất có hại trong thịt cá.

Những đàn cá được kiểm dịch nghiêm ngặt, từ khâu giống cho tới đầu ra cuối cùng trước khi vào đưa vào bếp ăn hoặc xuất khẩu ngược. Lúc đó em thầm nghĩ, nếu có thời gian dứt khoát phải quay lại nơi đây để thưởng thức món bổ dưỡng này ngay tại trang trại, nhưng hôm nay thời gian là kẻ thù của cả đoàn.

< Cái ảnh bữa trưa vội vàng em cũng chả chụp vì không có gì cả. Có mỗi cái ảnh đứng ven suối này.
Dulichgo
Sau bữa trưa với bánh mì kẹp pate khuấy nóng vội vàng ngay đầu nguồn con suối - anh em mất toàn bộ buổi sáng và trưa cho việc tìm porter, lúc đó đã là 2h chiều, ánh mặt trời không thể xuyên qua các đám mây mù, báo hiệu một ngày cuối đông nhanh tối. Em mới vội vã giục các bạn đồng hành nhai vội mấy miếng bánh mì kẹp thay cho bữa trưa rồi tiếp tục lên đường.

Vào mùa mưa, con đường qua suối này hoàn toàn không thể đi được. Bọn em cứ liên tục phải đảo từ bên này qua bên kia bờ suối. Thỉnh thoảng lại gặp những người thổ dân ở đây. Họ đi chăn trâu, bẫy chim, chặt cây hoặc lấy củi. Một nhóm trai bản cầm cả cần câu đi câu cá suối, huýt những điệu khèn lá vui tai và hết sức thân thiện.

< Còn đây là Giàng A Sinh, người bạn mới của bọn em.

Có lẽ hầu hết thanh niên gặp ở đây đều biết con đường ven suối, nhưng cũng như trong bản, họ không biết đường xuyên tâm Ngũ Chỉ Sơn. Thi thoảng em dừng lại, hỏi thăm một vài chàng trai bản rồi tới mấy người già nhưng họ hoặc không biết tiếng Kinh hoặc lắc đầu không biết đường.

Thậm chí cho tới lúc đó, A Sinh, người đóng vai trò dẫn đường cũng chẳng biết chính xác mình sẽ đi đâu. Em bàn với Sinh: "Em khoác ba-lô này, dẫn anh theo con đường lớn nhất ven suối, nếu có 2 hướng đi, tới đó anh sẽ quyết định đi đường nào".

Sinh bảo, nếu anh muốn leo lên đỉnh núi, em biết một đỉnh cao lắm mà, rất khó đi đấy, dân ở đây đi bẫy khỉ cũng mất cả ngày leo. Trên đó còn đàn khỉ to, con đầu đàn rất hung dữ, phải đi mấy người cùng nhau thì mới dám vào lãnh địa của nó. Em vui mừng đồng ý ngay và hy vọng trưa ngày mai mình lên được núi khỉ. Với lượng đồ ăn này, hai ba anh em có thể khám phá hết vùng núi, mà em vẫn nuôi hy vọng rằng biết đâu núi khỉ đó chính là đỉnh Ngũ Chỉ Sơn huyền thoại, hay chí ít nó cũng giúp mình nhìn được toàn cảnh dãy Ngũ Chỉ Sơn từ phía Tây Nam.

Mới hôm trước đây thôi, em còn nhớ đúng vào hôm leo đỉnh Pú Tả Lèng từ lối bản Tả Lèng (em đi mỗi mình), một trận mưa đá khủng khiếp đã nã xuống những viên bằng vốc tay xuống khu vực Lai Châu, Tam Đường. Sinh bảo khu này cũng bị, năm nay thảo quả mất mùa rồi. Các bác nhìn xem, tàu lá chuối rừng kia bị mưa đá ném cho rách tơi tả.

Vừa đi vừa trò chuyện với Sinh, trông nhỏ con thế mà khỏe hơn em rất nhiều, Sinh đeo balo nặng hơn chút mà đi như đi chơi, vừa đi vừa trò chuyện vừa ngoảnh lại đợi. Cậu khá thông thạo tiếng Kinh phổ thông, nhưng những từ ngữ như tên các loại thực vật thì Sinh hoàn toàn không rõ, chỉ gọi bằng những từ tiếng Mông xa lạ.

< Cú nhảy vượt suối khiến Chuẩn bị ngã. Em chuột bạch sang trước lại không sao, nhưng nói chung vượt suối trơn và rất khó khăn.​​

Đang đi dẻo chân, Sinh chợt dừng ở một ngã 3 suối, nơi có rất nhiều những cây giống như cây thông non, mọc rất nhiều ngay dưới bãi cát ven suối mà em ngờ rằng quả chúng là giống hạt trần giống thông phát tán theo dòng suối xuống đây.

Sinh bảo dân bản gọi địa danh này là Ngã Ba Suối, đúng như bản chất của nó và bảo nên đi đường tay phải. Quyết định đồng thuận đầu tiên nhanh chóng được đưa ra vì trên bản đồ địa hình, con suối phía trái dẫn tới một đỉnh đèo cao 2000m ngược với hướng mong muốn của em.

< Hong giầy chờ khô​​.

Bọn em còn phải vượt qua suối 2 lần nữa mà một trong 2 lần đó, Chuẩn bị trượt chân ướt hết giầy. May mà không trẹo chân, mất vài phút để kiểm tra balo và đồ điện tử, tất cả vẫn khô do balo của Chuẩn được thiết kế chống nước rất tốt.
Dulichgo
Lúc này em mới có dịp nhìn lại con suối Bình Lư. Nó trong tới đáy và khá sạch, nhưng vào mùa mưa chắc chắn là một thế lực lớn. Những tảng đá lớn bị cuối trôi sắp xếp lung tung. Cái cây này nhờ ẩn mình đằng sau một phiến đá lớn mà sống sót, nhưng bộ rễ của nó thật kỳ lạ.

< Cái cây có bộ rễ kỳ lạ​.

Sau đó một đoạn ngắn bọn em tới một khe vực khá hiểm trở. Sinh chỉ phía xa: "Lối này không đi được đâu anh ạ, trơn trượt nguy hiểm lắm, mình đi lên cái đồi này vòng xa một chút để tránh vách đá kia".

"Thế có tách xa con suối này không?" em hỏi lại, trong lòng mong rằng mình sẽ đi không quá xa nó, đó chính là cứu cánh duy nhất của kế hoạch. "không xa lắm đâu, mình sẽ gặp một con suối nữa, nhưng em không biết có phải suối này không". Vậy là okie theo đường mòn lớn lên đồi.

Đi một quãng khá xa nữa trong rừng, tiếng suối hết hẳn. Rừng tái sinh về chiều âm u và tĩnh lặng. Đi được một lúc nữa, chợt tiếng suối reo lớn dần, từ rì rào xa xăm chuyển sang ù ù rồi ầm ầm như tiếng thác đổ. Đúng là tiếng thác rồi, tôi quay hỏi Sinh: Sao em bảo tách xa suối? "Đấy là tiếng thác anh ạ. Mình vừa vòng lên đồi, lát nữa sẽ đi qua thác trước khi tách hẳn khỏi con suối.

Rồi tiếng thác đổ lớn dần, một con vực sâu hút hiện ra, rồi dải thác lụa cao phải tới năm chục mét trắng tinh đổ xuống từ khe núi. Hóa ra ba anh em đã đi vòng lên đỉnh thác bằng đường đồi. "Có xuống được chân thác không?" "Được anh ạ, nhưng mất thời gian đấy, đi theo con suối này lần xuống khe kia là xuống thác". Thời gian không cho phép, em đành đi men theo con đường mòn trơn nhẫy ngay gần thác rồi một lần nữa leo lên đồi tách khỏi con suối đi tiếp.

Các bác để ý cái ảnh cuối cùng chụp thác nhé, những cái cây trên đỉnh thác đều là cây cổ thụ, đủ biết thác này cao cỡ nào. Hôm nào quay lại em phải lại gần hơn mới được.

Trời về chiều, hoàng hôn buông dần. Đang từ đường ven suối dẫu có trơn trượt nguy hiểm nhưng vẫn dễ chịu hơn loại đường chân núi này, dốc ngược dựng đứng, đường thì nhiều đất khô và sỏi nhỏ rất trơn lại không chỗ bấu víu. Bọn em liên tục dừng lại nghỉ ngắn, mỗi lần chỉ dưới 3 phút nhưng cũng khá mất thời gian. Ban đầu Sinh đi khá gần, thấy nghỉ lại đứng đợi, thấy thế em mới thay đổi chiến thuật, bảo Sinh cứ đi trước, hễ thấy ngã 3 thì dừng lại đợi bọn anh, nhưng đừng đi quá xa, cứ nghe tiếng là được, chứ đi thế này bọn anh không có động lực phấn đấu đâu.
Dulichgo
Sinh bèn rảo bước chẳng mấy chốc biến mất khỏi đám cây rừng. Ngoảnh lại thấy Chuẩn còn tệ hơn cả em nhiều, thở bằng cả mũi lẫn tai. Chuẩn hổn hển nói: "Em chưa từng đi dốc dài thế này, thỉnh thoảng cũng luồn rừng mang balo dù lên núi, nhưng thường chỉ phải leo vài trăm mét là cùng".

< Củ mài trên đường đi - củ này là thực phẩm của người đi rừng ở đây.

Em bèn dừng lại chặt cho mỗi người một cây gậy làm cái chân thứ 3 để dùng tay đỡ bớt lực cho đôi chân, cũng khá khẩm hơn chút, nhưng vẫn mệt như cũ chỉ có tần suất nghỉ là giảm đi. Dường như kể từ giờ trek thứ 3 đôi chân hai anh em mới bắt đầu quen dần với cường độ vận động, dẻo dai hơn, đi nhanh hơn, hơi thở dần dần điều hòa với nhịp chân bước.

Thỉnh thoảng Sinh lại dừng đợi ở một ngã ba. Các bác ạ, giả sử em có đi một mình thì vẫn quyết định được hướng đi đúng, vì giác quan và kinh nghiệm đi rừng của em cũng khá, nhưng với những kẻ ngu ngơ về đường mòn đó có thể là một mê cung khó hiểu chẳng biết đi về đâu. Trong rừng, cứ đường mòn lớn nhất mà đi, thường ở cửa rừng có ngã ba hình chữ "Y xuôi" là đi sâu vào rừng, chữ "Y" ngược là đi ra khỏi rừng.

Những quyết định rẽ của Sinh rất hợp với ý em và cái định vị trên bản đồ offline em load sẵn trong con điện thoại P700i, vậy là từ khoảng 1600m trở lên chẳng có lần dừng hội ý nào nữa. Trừ một lần Sinh dừng lại chỉ cho hai anh em toàn cảnh con đường ven suối và cả bản Chu Va dưới chân núi kia. Thực ra vẫn chẳng đi được bao xa, mỗi giờ kể cả thời gian nghỉ, cả ăn nhanh, uống nước, chỉnh trang đồ đạc, cả ba chỉ đi được hơn 2km, sau 3 giờ trek liên tục mới được khoảng 7km, mà như vậy soi vào đường chim bay bằng mắt thường cảm giác như bản của Sinh vẫn ngay dưới chân. Em lại hò dô anh em cặm cụi nối đuôi tiến sâu vào rừng.

Đây là một khu rừng tái sinh, từng bị đốt trụi để làm nương nhưng nay bỏ hoang không trồng thảo quả, không nhiều điều ấn tượng. Đoạn trên kia mới vào rừng già, đẹp lắm - Sinh bảo thế. "Ừ, anh cũng biết vậy, chưa đến khu vực thảo quả thì sẽ không có rừng già". Cứ lầm lũi đi không biết bao lâu, em phải tranh thủ thời gian trời còn sáng để mải mốt đi, vì cứ mỗi phút nghỉ ngơi lúc trời chiều có thể phải trả giá bằng hàng chục phút mò mẫm trong đêm, thậm chí lạc đường. Đã hơn 5h30 chiều, Sinh động viên đi nhanh, còn khoảng 1h nữa mới tới lán thảo quả - còn em cũng không muốn ngủ lại giữa rừng vì sợ rằng thời tiết này dứt khoát sẽ có mưa đêm.

Thực ra 1 tiếng đi rừng mà Sinh nói tương đương với hơn 2 tiếng của ba người đi trong đêm. Kể từ lúc rút đèn pin ra khoảng 6h (chiều) kém rồi, bọn em cật lực đi thêm 2h nữa trong ánh đèn. Vừa đi em vừa niệm Nam Mô A Di Đà Phật, mong cả đoàn bình an, vì em biết đây là thời gian đi kiếm mồi của lũ rắn. Đường vẫn lên dốc xuống đèo, mỗi lần lên dốc đứng, các lát cắt đường địa đồ và vị trí GPS không cho thấy bất kỳ một địa điểm cắm trại khả dĩ nào. Mặc dù có tới 4 đèn pin nhưng em quyết định chỉ dùng 2 chiếc để dự phòng cho tình huống xấu và những đêm sau. Chuẩn đưa đèn cho Sinh đi trước mở đường còn em đi đoạn hậu cầm đèn soi cho Chuẩn.

Không biết bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu lần hụt bước, bao nhiêu lần trượt chân, cuối cùng cũng tới được một bãi cỏ rộng rãi bằng phẳng. Tán cây che bên trên, bãi cỏ rộng chừng hơn trăm mét vuông, thảm cỏ khá dày, vây quanh là nương thảo quả đảm bảo rằng lũ rắn vốn sợ mùi rễ thảo quả tránh xa. Chỗ này quả là địa điểm cắm trại tuyệt vời nếu như... Oái oăm thay, không có dấu hiệu của nước quanh đây. Đi tiếp hay dừng? Chuẩn hoang mang hỏi, cả hai đều rất mệt rồi. Em tham khảo qua ý kiến Sinh, nhìn vào địa đồ ước lượng khoảng cách tới con suối rồi hai anh em quyết định: Đi tiếp! Không có nước nấu ăn, không thể có sức chiến đấu cho ngày mai.
Dulichgo
Sau đó cả hội phải rời xa bãi cỏ phẳng xanh rêu trong luyến tiếc để tiếp tục con đường mòn. Bỗng dưng các dấu hiệu của con đường mòn nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất dấu hẳn. Một khe núi sừng sững hiện ra, vách cao chừng hơn trăm mét, một vết nứt sâu hút dẫn thẳng lên đỉnh lộ le lói chút ánh sáng của sương mù phía trên.

Trong ánh đèn, phải để ý kỹ lắm mới thấy những dấu chân trên đá. Một lát cắt địa chất của phiến đá lớn, lát cắt chỉ cỡ chừng nửa bàn chân, tách ra trên một vách đá đổ nghiêng - không nghi ngờ gì nữa, đây chính là con đường phía trước. Tiếc là quá tối nhìn chẳng thấy đừng nói tới chuyện chụp ảnh. Cả bọn thận trọng từng người lần lượt bám vào cây dại mọc trên vách đá làm điểm tựa, áp sát người vào vách núi, balo quay ra vực rồi từng bước lần trên đá vòng qua bên kia vực sâu. Nhìn trên địa hình đồ chi tiết thì có vẻ đây là nơi không thể đi được, nhưng kỳ thực phía sau vách đá này mới là sự sống. Không gian đang im ắng như tờ bỗng đâu nghe như có tiếng suối rì rào văng vẳng. Cả ba bước nhanh trên con đường mòn phẳng, một căn lán hiện ra trên vách núi.

Khác với những lán thảo quả thường thấy, nó nằm chình ình án ngữ giữa lối đi. Sàn của lán và lò sấy thảo quả được đào sâu vào trong đất, những thanh tre khô cong kê phía trên mấy thanh gỗ lớn làm giàn sấy, xung quanh đầy đủ củi khô, lá lót sàn. Thậm chí có cả mấy cái chăn vắt trên thành lò sấy, trông có vẻ bẩn thỉu nhưng khá khô ráo. Một chiếc đèn pin cũ hỏng vứt chỏng chơ cạnh lò. Dựa vào mức độ mục nát của lớp lá lót sàn và đống củi cháy dở, em đoán có vẻ như căn lán này bỏ hoang đã lâu.

Tuy nhiên mái lán lợp bằng lá thảo quả phơi khô kết trên thân trúc còn khá tốt. Chẳng cần dựng lều, em phân công Sinh đi lấy nước, tự mình thì nhóm lửa, còn Chuẩn trải chăn lên đống lá khô, vốn là "giường" của người chủ lán vô danh, trải thêm lớp bạt lều rồi đến túi ngủ. Căn lều được che chắn tốt trong đất, nên đống lửa vừa bùng lên lập tức có cảm giác ấm áp, an toàn. Đối với em, có lẽ nó là khách sạn 3 sao rồi, giữa lúc mệt mỏi hoang mang nhất, nơi hoang vu này nó hiện ra như một phép màu. Phép màu do chính người Mông bản xứ tạo ra.

Những ngày hôm đó chuyến đi còn chưa dừng lại. Lúc Sinh xách cái can trong lều ra suối lấy nước, cứ ngỡ tiếng suối rì rào ở ngay gần nhưng 45ph, rồi 1h trôi qua vẫn chưa thấy Sinh đâu. Em mới sốt ruột quá xách đèn pin, rời khỏi cái ghế vốn là một khúc cây khô, bổ đi tìm. Có dấu hiệu rõ ràng của hai con đường, một lên nương thảo quả, một xuống suối lấy nước như bao lán thảo quả khác. Thông thường em chỉ cần nhìn dưới chân mà không cần ngẩng đầu lên cũng biết được có lán thảo quả ven đường nhờ dựa vào hai dấu hiệu này. Em chọn con đường xuống suối tìm Sinh - sợ rằng cậu xách nước bị trượt ngã đập đầu vào đá ngất đi thì gay go. Nhưng càng đi xuống, lối mòn càng nhỏ dần, sâu hút. Một trăm, hai trăm rồi ba bốn trăm mét, quái sao xa thế này.
Dulichgo
Đi mãi đi mãi xuống được suối, gào thét hú gọi Sinh không thấy tiếng trả lời. Em soi đèn pin khắp nơi, huy động mọi giác quan và kinh nghiệm theo dấu của mình để tìm Sinh mà không thấy đâu. Tất tả, em lại ngược dốc trở lại con đường chính. Quả thực chưa từng bao giờ em hoang mang như thời điểm đó, vừa sợ hay con gì nó chén mất cậu cũng nên, vừa hoảng hốt nghĩ tới những tình huống xấu nhất, vừa lo sợ bóng đêm, nỗi ám ảnh rắn rết. Nhưng nỗi sợ bao trùm hơn cả là cảm giác đơn độc khi ở trong rừng khi không có bạn đồng hành, đó là một cảm giác cô độc lạ kỳ, mọi giác quan đều căng như dây đàn mà ngồi đây viết lại em còn sởn cả gai ốc.

Rồi em lại ngược tiếp lên con đường phía trên ngay cạnh lán một đoạn gọi Sinh tiếp, nhưng vẫn không ai trả lời. Nỗi sợ đơn độc trong rừng buộc em phải quay lại lán - với ý định rủ Chuẩn đi cùng. Cố giấu vẻ mặt lo âu, em bảo Chuẩn không tìm thấy Sinh ở suối. Chuẩn có vẻ khá bình tĩnh trước mọi chuyện, hay lúc ấy em giả vờ tốt quá anh bạn khuyên nên ở lại lều chờ thêm một lúc rồi hai anh em sẽ đi tìm.

Em ngồi xuống cạnh bếp củi, cảm giác ấm áp ùa về cùng với cơn buồn ngủ. Em châm điếu thuốc, rít một hơi dài rồi nhả khói, nhưng không ngăn cản được sự mệt mỏi, những nỗ lực quay lên từ suối như ma đuổi đã vét sạch sức vóc em trong đêm - từ sáng đến giờ mới có tí bánh mì pa tê với sô-cô-la, snack và nước pha với đường glucozo. Cơn buồn ngủ ập đến, em thiếp đi...

... Hóa ra em toàn lo hão các bác ạ, được một lúc gã thợ đi rừng bản xứ mò về với vài lít nước trên tay, gần như nằm vật ra trên bạt vì mệt. Hóa ra cu cậu đi lên đường trên rồi mò tiếp sâu xuống một cái khe, ở đó nước chảy tí tách từng giọt nên mãi mới hứng được mấy lít mang về. Em thở phào nhẹ nhõm, vấn đề an toàn trong rừng đêm không nói trước được điều gì. Vậy là tận gần 10h đêm ba anh em mới được ăn bữa tối sau khi đã gần như nhịn bữa trưa mà chỉ nạp năng lượng bằng đồ ăn vặt và nước pha đường gluco.

Đồ ăn tối khá ngon lành với chân giò xông khói, giò bò, canh rau chua đóng gói nấu với mỳ tôm và thoải mái thịt hộp các loại. Hôm nay chẳng có thời gian đâu để anh em hái rau rừng mặc dù có khá nhiều thứ ăn được trên đường đi. Sau vài tuần rượu, thứ rượu do chính em mang đi với cái tên mỹ miều được anh em yêu mến tặng cho: "Nhất niên hạ thổ giọt gianh" giấc ngủ êm ấm trong túi ngủ, cạnh bếp củi lách tách đến khá nhanh.

Cơn mưa rừng mà đêm qua em dự đoán đến khá muộn, nó phá giấc ngủ của ba anh em để bắt đầu một ngày sớm hơn thường lệ. Trong rừng hầu như sáng sớm nào cũng mưa, nếu hiểu mưa theo cách đơn thuần của người đồng bằng. Thực ra mưa đêm trong rừng hầu hết do hiện tượng "quá mù ra mưa" mà thành. Những giọt sương đọng trên cành cây, trong không khí bão hòa hơi nước rơi lộp độp suốt từ 3-4 giờ sáng, em phải dậy che chắn lại mái lều cho khỏi dột.

Sáng ra thì ăn sáng một bữa lớn với mì Ý và sốt bò băm, em mang theo dạng hộp thôi. Mỳ Ý là một loại thực phẩm hết sức hữu dụng, vì nó gọn, chiếm ít không gian ba-lô. Ở đồng bằng, bỏ mỳ luộc trong nước sôi khoảng 8-10ph là chín, nhưng ở núi cao thế này phải luộc sôi sùng sục 15ph mới ăn được. Cho thêm sốt cà chua và maionaire vào, thế là được bữa sáng như ý.

Còn tiếp
Lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn (Phần 1)
Lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn (Phần 2)
Lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn (Phần cuối)


Theo Sau_ruou (Diễn đàn Otofun)
Du lịch, GO!
Share on Google Plus

About Unknown

Bạn thích du lịch, ham "phượt" hay "Bụi một chuyến"? hãy cùng Du lịch phượt khám phát những nơi cần đến của bạn và dành cho bạn với hành trình chinh phục mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét