(TTO) - Với vẻ đẹp lộng lẫy, kỳ bí, hai hang động mới ở Hòn Phất Cờ (vịnh Bái Tử Long) vừa được công bố rộng rãi khiến bất kỳ du khách nào đặt chân vào đây cũng không muốn dời bước.
< Ông Nguyễn Sỹ Bính - người phát hiện hang động này cách đây 3 năm - nhìn về phía cửa hang. Hiện tại ông Bính vẫn chưa tìm được một cái tên phù hợp để đặt tên cho hang động này.
Cùng với thông tin về việc phát hiện thêm 23 hang động mới tuyệt đẹp ở vịnh Hạ Long, những ngày đầu tháng 12 này, ngư dân Nguyễn Sỹ Bính (thôn 5, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, cách TP Hạ Long khoảng 50km) cũng lần đầu tiên tiết lộ thông tin về hệ thống hai hang động mới mà ông đã phát hiện ở vịnh Bái Tử Long, thuộc phạm vi vịnh Hạ Long.
< Nhũ đá hay thạch nhũ được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm, nghìn năm. Nó là khoáng vật hang động thứ sinh treo trên trần hay tường của các hang động.
Qua giới thiệu và thuyết phục của người quen, ông Bính đồng ý đưa canô vào bờ để đón chúng tôi ra vịnh, đến Hòn Phất Cờ để có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các hang động này.
Chăn dê,
phát hiện hang động
Dulichgo
Từ đất liền ra đến Hòn Phất Cờ không đến 10 phút bằng canô cao tốc, nhưng giữa những ngọn núi nhỏ nhô lên trên vịnh, nếu không có người dẫn đường như ông Bính, chúng tôi không thể tin phía trong những ngọn núi nhỏ kia là những hang động cực lớn.
< Những nhũ đá khổng lồ xếp lên nhau khiến nhóm phóng viên cảm thấy rất bất ngờ.
“Vợ chồng tôi phát hiện hang này từ hơn ba năm nay nhưng mãi đến tuần trước mới đưa một nhóm người đầu tiên của một công ty du lịch cùng mấy người ở Phòng Văn hóa huyện Vân Đồn đi. Giờ đoàn các anh là nhóm thứ hai tôi đưa lên hang” - ông Bính cho biết.
Đường lên hang men theo các gờ, hốc đá nhưng đi khá dễ bởi đã được ông Bính cải tạo bằng các bậc ximăng. Có những đoạn cheo leo bám bên rìa vách núi thì có “cầu sắt” được hàn, chằng buộc khá chắc chắn.
< Những nhũ đá nhọn từ trần hang đâm tua tủa xuống mặt đất.
Là nhân viên của một công ty du lịch trên địa bàn, gần chục năm trước vợ chồng ông được công ty giao nhiệm vụ ra ngoài vịnh nuôi trồng thủy sản nhằm cung cấp thực phẩm cho công ty để phục vụ khách du lịch. Ngoài nuôi trồng thủy sản, vợ chồng ông Bính còn mua dê và cả tắc kè để thả lên núi kiếm thêm thu nhập.
Và hơn ba năm trước, trong khi chăn thả dê trên các triền núi, ông Bính đã phát hiện trong lòng Hòn Phất Cờ là hệ thống hai hang động riêng biệt, với ba cửa hang ở ba hướng khác nhau (hướng đông nam, đông bắc và ở chính giữa).
< Măng đá và nhũ đá kết lại với nhau tạo thành những cột đá phía trong hang động, quá trình kiến tạo này có thể kéo dài hàng nghìn năm.
Dulichgo
Thấy vẻ đẹp “như thiên cung, tiên cảnh” của hang động, vợ chồng ông đã báo cáo công ty và được đầu tư khoảng 200 triệu đồng để làm nhà nghỉ tranh tre, mái cọ bên bãi tắm mini ngay dưới chân Hòn Phất Cờ. Tuy nhiên, chưa kịp đưa vào hoạt động, một trận bão đã “thổi bay” cơ ngơi và dập tắt ý tưởng kinh doanh của ông...
“Tháng 8 vừa qua, khi tham dự Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh, tôi được đưa đi thăm vịnh Hạ Long và đến động Thiên Cung. Động này cũng đẹp, mọi người sững sờ trước vẻ đẹp của hang động, còn tôi thầm cười: động này chưa là gì so với vẻ đẹp, sự nguy nga của các hang động mà tôi đã phát hiện ở Hòn Phất Cờ” - ông kể.
< Ngay cạnh cửa hang, là một tầng vỏ ốc hóa thạch vốn thường tìm thấy trong các di tích khảo cổ, phát hiện này có giá trị rất lớn về địa chất, địa mạo và lịch sử hình thành vịnh Bái Tử Long.
Trở về, ông lại trình bày với lãnh đạo công ty và lại được đầu tư 100 triệu đồng để làm hệ thống đường dẫn lên cửa hang, làm hàng rào và cửa sắt...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thùy Dương, trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết hai hang động do ông Bính phát hiện là hai hang động mới, chưa được cơ quan chức năng biết đến, ban quản lý cũng chưa từng thực hiện đợt khảo sát và kiểm tra nào tại khu vực này.
“Chúng tôi sẽ xác định giá trị và tiềm năng của các hang động này xem phù hợp khai thác ở lĩnh vực nào rồi mới báo cáo UBND tỉnh. Có thể bổ sung các hang động này vào quy hoạch để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị hang động” - bà Dương nói.
< Những khối đá màu xanh lục bảo phía trong hang động.
“Thiên cung, tiên cảnh...”
Khác với những hang động mà chúng tôi từng có dịp khám phá, cửa hang của các động mới phát hiện này đều khá rộng và cách mặt nước vịnh cả trăm mét. Chúng tôi không phải mất công chui luồn bởi cửa vào hang đã có không gian rộng, thoáng, mái vòm cao. Thậm chí, hai bên cửa hang ở động giữa còn có hai cột nhũ đá lớn, thẳng tắp từ chân lên đến đỉnh vòm hang, nhìn y như hai trụ cổng làng.
Qua hai “trụ cổng” này là một không gian rộng đến gần 2.000m2, hang có vòm khá cao, phải đến 30m. Trong lòng hang là vô số nhũ đá với vô vàn hình dáng khác nhau.
< Một cột đá phía trong hang động.
Dulichgo
Nhiều nhũ đá từ mái vòm buông xuống như cánh tay nối dài và dù hang khô ráo nhưng ở mỗi đầu các thanh nhũ đều có những đụn nước đang dồn xuống, tích tụ thành giọt rồi lại nhỏ xuống nền hang, tạo nên những “mầm đá” to nhỏ khác nhau, được ông Bính gọi là “măng đá”.
“Còn nhiều hình, nhiều loại lắm, các anh xem có ý tưởng gì đặt tên giúp chứ tôi đặt tên mãi mà không thể hết” - ông Bính nói.
Vừa rọi đèn pin vào các thạch nhũ đa dạng hình dáng, ông Bính gọi tên nào là “phương trượng của Đường Tăng” (nhũ đá cao như bắp chân, nhưng phía trên đầu lại phình to, loe rộng như đầu rồng), rồi “gậy như ý Tôn Ngộ Không” (những thạch nhũ thẳng tắp), kia là quả chuông, con rùa, Phật Di Lặc, Bồ Tát, mẹ bồng con...
< Ở những nơi có ánh sáng, xuất hiện một số loại cây thuộc họ dương xỉ.
Hang động đầu tiên có cửa vào - cửa ra, nhưng ở hang động thứ hai bên cạnh chỉ có một lối vào và lối ra nhỏ hơn. Tuy nhiên phía trong hang này được ông Bính ví như “thiên cung, tiên cảnh” bởi vẻ đẹp lạ thường của thiên nhiên khi tạo nên những thạch nhũ đa dạng về hình dáng.
Phổ biến nhất trong lòng hang thứ hai này (rộng cũng đến cả ngàn mét vuông) là những thạch nhũ buông từ trên xuống như những bức rèm đá ngang với mặt người. Rồi những cột nhũ đá từ dưới đội lên, với rất nhiều trụ đá lớn mà đứng mỗi góc có thể mỗi người lại hình dung ra một dáng hình nào đó.
Trong hang này lại có nhiều “căn phòng vua chúa” bởi có những khoảng không nhỏ khoảng chục mét vuông được quây gần kín xung quanh bằng những rèm đá, thạch nhũ buông xuống.
Dulichgo
Rọi đèn pin lên trần, tùy độ cao thấp của vòm hang cùng ánh sáng mà người nhìn có thể cảm nhận có những màu vân đá xanh, xám khác nhau. Dưới nền hang thứ hai có nhiều chỗ dốc như bị nước chảy xói mòn, tạo thành những “ruộng bậc thang đá”, cũng có những chỗ nền đang lún sụt.
Đặc biệt, bên ngoài cửa hang này còn có những dấu tích chứa đựng các giá trị về địa chất, bởi ở chân những phiến đá cực lớn, nằm cách mặt nước gần 100m vẫn dễ dàng thấy các vỏ ốc hóa thạch gắn chặt vào phiến đá.
Nhiều hang có giá trị cao về khoa học và thẩm mỹ
< Từ ngoài cửa hang có thể ngắm nhìn một góc của vịnh Bái Tử Long. Do nằm trơ trọi giữa biển nên phải dùng thuyền để đến hang động này.
Bà Đỗ Thị Yến Ngọc - phó trưởng phòng kiến tạo địa mạo Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên - môi trường) - cho biết như vậy khi được hỏi về giá trị 23 hang mới được phát hiện ở vịnh Hạ Long. Theo bà Ngọc, ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long hiện đã có trong tay hồ sơ 36 hang, trong đó có một số hang đã khai thác và một số hang đã đóng cửa để bảo tồn.
“Trong chuyến khảo sát các hang động mới, do BQL vịnh Hạ Long phối hợp với viện chúng tôi, đã phát hiện được 23 hang, trong đó có 18 hang được đánh giá là có giá trị cao về mặt khoa học và thẩm mỹ, nhưng cần phải đầu tư thêm để nghiên cứu tiếp” - bà Ngọc khẳng định.
Theo bà Ngọc, đây đều là những hang có nguồn tiềm năng để khai thác du lịch, tới đây BQL vịnh Hạ Long sẽ xây dựng kế hoạch nghiên cứu để khai thác.
Theo báo Tuổi Trẻ
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét