(TTO) - Mùa thu đi chơi vùng núi cao phía Bắc, có một món quà bạn không thể không thưởng thức: hồng ngâm.
< Hồng ngâm - món quà của mùa thu.
Cô chủ nhà nghỉ ở thị trấn Tam Sơn chỉ vào chậu hồng ngâm nước lã trước hiên nhà, mời chúng tôi ăn thử. Dễ cô gọt đến cả chục quả hồng bé xinh xinh để các vị khách từ tận Đà Nẵng và Hà Nội nếm rau ráu.
Quả hồng nhỏ nên chỉ cắn một hai miếng là hết cả quả, vị giòn ngọt thanh mát trên đầu lưỡi, trăng tháng tám có phải vì thế mà sáng hơn không?
Cô bán hàng bảo đây là giống hồng không hạt ở Quản Bạ, chỉ trồng tập trung tại xã Nghĩa Thuận, xã Thanh Vân và thị trấn Tâm Sơn. Giống hồng này thích nghi ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, cây ra hoa tầm tháng 3 - tháng 4, kết quả tầm từ tháng 8 - tháng 11, chín vừa độ rằm trung thu hằng năm.
Quả hồng có kích cỡ chỉ bằng quả trứng gà ta, nho nhỏ xinh xinh, vỏ có màu xanh pha vàng, bóng mượt. Hồng hái xuống được đem ngâm vào nước 3-5 ngày cho sạch nhựa, khi ăn có vị ngọt đậm và nhiều bột mịn, vỏ quả cứng, thịt hồng lại rất chắc và giòn. Quả hồng không hạt trong mấy năm gần đây là cây nông sản mang lại hiệu quả kinh tế, là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc huyện Quản Bạ (Hà Giang) và trở thành đặc sản cho nhiều du khách mỗi khi dừng chân chốn này vào mùa thu.
Đúng rằm nên quanh chợ Quản Bạ nhiều nhà bày bán hồng ngâm, những chậu lớn, chậu bé đựng đầy nước dẫn về từ trên suối, trong văn vắt, nhìn rõ những quả hồng không nuột nà, mượt mà tròn to như hồng Trung Quốc. Do không có thuốc bảo quản nên hồng ngâm chỉ nên tiêu thụ trong vòng một tuần, để lâu hơn quả sẽ xuống mã và vỏ trở nên thâm đen. Bạn tôi lấy túi mua 2kg hồng, 35.000 đồng/ký, định bụng để dành đêm nay đón trăng.
Chúng tôi nghỉ đêm ở Lũng Cẩm (Sủng Là, Đồng Văn). Bữa tiệc trung thu đơn giản sẽ tổ chức sau bữa tối với cặp bánh nướng mang lên từ Hà Nội và 2kg hồng ngâm Quản Bạ. Đám trẻ người Mông rất thích thú và cắn ngập răng vào từng quả hồng nhai rau ráu, vừa ăn vừa rúc rích cười. Hỏi có ngon không thì gật đầu, ánh mắt lộ rõ vẻ thích thú. Chúng tôi cũng không ngoại lệ, cắn miếng hồng và nhai thành tiếng như đám trẻ.
Dulichgo
Ngoài ngưỡng cửa, trăng tròn khuất sau đỉnh núi không soi sáng được mảnh sân vuông. Nhập nhoạng. Chỉ có tiếng trẻ con đuổi nhau quanh sân cười khanh khách, thỉnh thoảng ngã cái oạch, thỉnh thoảng hét ầm lên. Và cả khách với chủ nhà đã có một đêm trung thu như thế, giản dị và bình an.
Hai hôm sau, chúng tôi theo đường từ Cao Bằng về Hà Nội qua Bắc Kạn. Dọc theo quốc lộ 3 lại thấy bày bán bên đường những chậu hồng ngâm. Không cần quá tinh ý cũng biết là món nông sản đặc sản của vùng.
Vẫn giống hồng không hạt, quả tròn và to hơn giống hồng ở Quản Bạ, có lẽ là kết quả của thổ nhưỡng từng vùng. Loại cây ăn quả nhiệt đới này cũng được trồng nhiều ở Bắc Kạn và là cây nông sản được địa phương khuyến khích mở rộng do có hiệu quả cao gấp nhiều lần cây lúa.
Cây có vòng đời sinh trưởng như cây hồng ở Quản Bạ nói trên và cũng chín rộ vào dịp trung thu, khi mới thu hoạch phải ngâm vào nước cho ra hết nhựa, khi ăn có vị ngọt đậm, nhiều cát đường và rất giòn. Hồng ngâm Bắc Kạn có giá thành rẻ hơn so với hồng ngâm Quản Bạ, chỉ 25.000 đồng/kg. Có lẽ do năng suất ở khu vực Bắc Kạn cao hơn và việc vận chuyển hồng không khó khăn như bên đất Quản Bạ, Hà Giang.
Dulichgo
Nhiều ôtô đi ngang thường ghé lại các gian hàng tạm bên đường để hỏi mua hồng về như một món quà đặc sản. Khi đã bán hết hồng ngâm, họ cũng sẵn sàng bán cho khách loại hồng vừa hái xuống. Nếu ăn lúc này sẽ rất cứng và chát, vì vậy bà con dặn khách mang về nhà ngâm.
Chỉ việc ngâm ngập vào nước sạch trong 3 ngày 3 đêm, sau một ngày rưỡi thì phải thay nước. Đặc biệt lưu ý không ngâm vào nước mưa. Vậy là đã có món quà mùa thu của vùng cao phía bắc, ngon, ngọt, giòn tan, ăn một lần là mùa thu sau sẽ nhớ.
Hẳn là tôi sẽ nhớ những con đường xa ngái chơi vơi trên lưng đèo. Những cô bán hàng hồn hậu và nhiệt tình. Và nhớ hồng ngâm, món quà ngọt ngào và tiếng nhai giòn tan, rau ráu của mùa thu.
Câu hỏi gần như cửa miệng của dân miền xuôi với người miền ngược: Có phải hồng Trung Quốc không? Hỏi là thế, nhưng ở những miền đất xa xôi cách trở như Quản Bạ (Hà Giang) hay Chợ Mới (Bắc Kạn), tự nhiên có một niềm tin vô hình như muốn nói với chúng tôi rằng hãy tin đồng bào.
Theo THỦY OCG (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét