Chè cổ thụ trên đỉnh Brah Yàng

Cao nguyên Di Linh là một trong những vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu ôn hòa rất thích hợp với các loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê. Trước đây, khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, họ đã lập các đồn điền tại các vùng, hiện thuộc các xã Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Tân Thượng…

Nhưng có lẽ hiện tại rất ít ai biết đến những cây chè cổ thụ ở huyện Di Linh. Những cây chè cổ này không tồn tại ở các đồn điền, các doanh nghiệp chè, mà nó còn hiện hữu trên đỉnh Brah Yàng, một đỉnh núi huyền thoại và được nhiều người ví là “nóc nhà” của cao nguyên Di Linh.

Brah Yàng (theo tiếng Kơ Ho) của người dân tộc bản địa có nghĩa là nơi ở của Trời (Yàng) và thần thánh rất linh thiêng. Núi Brăh Yàng thuộc địa phận thôn Ka La, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh (Lâm Ðồng) hiện còn rất hoang sơ. Ngọn núi có độ cao gần 1.880m so với mặt nước biển và cao nhất cao nguyên Di Linh (sau cao nguyên Lâm Viên của Đà Lạt).

Núi Brăh Yàng hiện còn nguyên thủy cao thẳng đứng, bao quanh là rừng xanh. Đường lên đỉnh chỉ có một lối đi nhỏ (do nhân dân địa phương phát) chằng chịt gai nhọn,nhưng do lâu ngày không ai lên việc tìm lại đường cũ cũng gian nan. Từ chân núi lên đến đỉnh dài chừng 5km nhưng rất khó đi, nhất là đoạn hơn 1 km gần tới đỉnh.

Chuyện kể rằng, Brăh Yàng trước đây là nơi cư trú của vị thần sức khỏe có tài quy phục dã thú và bệnh tật bảo vệ con người và vạn vật. Ai đến được đỉnh núi cao và hiểm trở này là chinh phục được niềm tin và có sức khỏe vô biên trong vùng…

Già K’Brệp (xã Bảo Thuận) cho biết: “Theo nhiều người già ở xã Bảo Thuận kể lại rằng: Sau khi Bác sĩ Yersin khám phá vùng đất Di Linh, Đà Lạt, những năm sau đó, một số người Pháp đã lên miền thượng lập đồn điền chè, cà phê; các linh mục cũng đã lên đây truyền đạo; một số người (phục vụ quân đội) làm công việc định vị, cắm mốc để xác định độ cao của các ngọn núi… Trong những năm đó, chè được trồng lên trên đỉnh núi này”.

< Du khách TP Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm với người dân địa phương bên những cây chè cổ.
Dulichgo
“Thật khó để xác định chính xác cây chè cổ trên đỉnh Brah Yàng được trồng vào năm nào và nhằm mục đích gì?

Nhưng theo một số thông tin mà chúng tôi được biết, những cây chè này được trồng vào những năm 1927 với mục đích nhằm đánh dấu, kỷ niệm năm thành lập Hội truyền giáo của các linh mục người Pháp tại miền Thượng - Djring (Di Linh) và do các hướng đạo sinh của người bản địa và người Pháp trồng nên” - ông K’Broh (tổ dân phố Ka Ming, thị trấn Di Linh) nói.

Ông K’Sệp (ở thôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận) cho biết thêm, trước đây, cha ông cũng đã từng là hướng đạo sinh. Hàng năm, các hướng đạo sinh thường tổ chức các đợt dã ngoại, leo núi, cắm trại.

Tại đây, họ đã trồng hơn 3 sào, với khoảng 500 gốc và trồng thêm cây bưởi xen lẫn với các loại cây rừng. Do không được chăm sóc, nên cây sống không đồng đều. Tuy vậy, người dân luôn ý thức trong việc bảo vệ và xem những cây chè cổ thụ này là một trong những cây quý của núi Brah Yàng. Mỗi khi lên đỉnh núi này, bà con thường hái một ít lá chè mang về nấu để uống. Nước lá chè ở đây có màu đậm hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đỉnh núi Brah Yàng, cây chè được trồng xen giữa các loại cây rừng. Vì không trồng tập trung, nên rất khó để xác định số lượng cây chè còn sống. Những cây phát triển tốt vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nếu không để ý kỹ thì có thể ngộ nhận đây là cây rừng, vì chúng cao từ vài mét đến 10 mét, thân cây có đường kính từ 20 - 30cm và thân cây rất rắn chắc.
Dulichgo
Hàng năm, khi chuẩn bị bước sang mùa khô, người dân địa phương thường lên núi để tìm hiểu, chinh phục cảnh thiên niên hùng vĩ, huyền bí. Ở trên đỉnh núi này, lữ khách không chỉ được hít thở không khí trong lành mà còn thưởng thức “nồi lá chè xanh” đậm đà, tinh túy của rừng núi và các loại rau rừng mọc trên núi…

Khi đứng trên đỉnh núi Brah Yàng, bằng mắt thường nhìn sang hướng Đông, lữ khách có thể nhìn thấy một góc tỉnh Bình Thuận và thành phố Phan Thiết.

Theo tương truyền rằng: K’Brah là chàng trai người K’Ho (ở buôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận) kết duyên cùng với con gái thứ hai của thần núi là nàng Ka Yai xinh đẹp tuyệt trần (từ núi Brah Yàng nghĩa là núi thần của chàng K’Brah mà người dân tộc bản địa thường gọi là “Bơnơm K’Iăh Brah Yàng”).

Khi người dân lạc vào ngọn núi này, cảm giác rất an toàn vì có sự che chở của Yàng bơnơm (thần núi) và được hái, ăn thoải mái những trái cam, quýt của núi rừng nhưng tuyệt đối không được mang về. Nếu một ai đó cố tình mang trái cây về, dù đó chỉ là một quả, thì bị lạc không thể ra khỏi khu rừng, cho đến khi bỏ lại hoặc ăn hết trái cây đó, thì mới tìm thấy lối về.

Không chỉ những cây chè cổ thụ, những sự tích huyền thoại về núi Brah Yàng hấp dẫn không chỉ người dân địa phương mà còn với những du khách phương xa. Nếu không quản ngại leo núi, vượt khoảng 3km hiểm trở, du khách mới có thể chinh phục được “nóc nhà” huyền thoại của cao nguyên Di Linh có độ cao gần 1.500 mét (so với mặt nước biển).

Theo NDONG BRỪM (Báo Lâm Đồng)
Du lịch, GO!
Share on Google Plus

About Unknown

Bạn thích du lịch, ham "phượt" hay "Bụi một chuyến"? hãy cùng Du lịch phượt khám phát những nơi cần đến của bạn và dành cho bạn với hành trình chinh phục mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét