(BYB) - Theo phong tục, người Thái dựng một cái lều ở sân cạnh nhà để thờ bố, mẹ vợ. Tết đến, họ mổ gà bày lễ cúng để cảm ơn công lao và cầu mong sự giúp đỡ phù hộ của họ nhà ngoại. Đối với các gia đình bố mẹ vợ vẫn còn thì tết Xíp xí là dịp vợ chồng, con cái đưa nhau về thăm bố mẹ vợ để thể hiện lòng hiếu thảo và chúc tết bố mẹ cùng gia đình vợ.
Tết Xíp xí là một sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, truyền thống, đặc trưng của người Thái Nghĩa Lộ – Mường Lò được tổ chức vào 14/7 âm lịch hàng năm (tiếng Thái “Xíp xí” có nghĩa là mười bốn). Với ý nghĩa này, thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo UBND phường Trung Tâm tổ chức lễ hội tết Xíp xí từ năm 2014 nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ nói chung, trong đó có lễ hội tết Xíp xí nói riêng – đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng thành công thị xã văn hóa – du lịch.
Ông Lò Văn Biến ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) cho biết, theo lịch của đồng bào Thái, tháng 7 âm lịch là tháng Giêng. Trước đây người Thái chỉ gieo cấy 1 vụ mùa. Do đó, đây là thời điểm nông nhàn, công việc đồng áng đã xong xuôi, bà con chỉ tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa. Vì thế, đây là lúc con người được nghỉ ngơi ăn Tết. Không những thế, người Thái quan niệm tháng 7 là tháng mưa lũ, trong mùa mưa lũ thì con người không buôn bán hay làm gì được nên họ tập trung con cháu với mục đích nhắc con cháu không nên đi xa để tránh tai ương, bệnh tật. Tết Xíp xí là tết truyền thống của dân tộc được tổ tiên truyền lại nên mang ý nghĩa quan trọng và có nhiều lễ cúng để cầu mong một vụ mùa bội thu, cuộc sống yên vui, ấm no, cũng là để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến ông bà, tổ tiên của mình. Dulichgo
Tết Xíp xí của người Thái Nghĩa Lộ bao giờ cũng gồm 2 phần: lễ và hội. Trong phần lễ có 5 lễ cúng. Lễ cúng ruộng “Tam tế ra” là lễ đầu tiên, được tổ chức cho cả bản hoặc mỗi gia đình. Mâm lễ gồm: 1 con gà, 1 đầu lợn, 1 bộ lục phủ ngũ tạng lợn, 2 gói xôi, bánh xíp xí, vòng bạc, vải sải… Mâm cúng được đặt ngang đầu ruộng của cả bản. Khi tiến hành nghi lễ, ông mo quay mặt hướng về phía cánh đồng, vái tứ phương cầu cho chúa trời, chúa đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi, lúa không bị sâu bọ phá hoại, cây lúa cho hạt to, chắc, mẩy. Kết thúc lễ cúng, ông mo mang những nan đan cắm ở đầu ruộng với ý nghĩa bảo vệ cho đồng ruộng chống lại thú dữ phá hoại mùa màng và sâu bệnh hại.
Sau lễ cúng ruộng là lễ cúng tổ tiên. Gia đình nào có điều kiện thì sắm mâm lễ gồm đầu lợn, 1 bộ lục phủ ngũ tạng lợn, 2 gói xôi, bánh xíp xí, hoa quả… và mời ông mo hoặc bà mo về cúng để cảm ơn, nhắc nhớ lại công lao của tổ tiên, dòng họ, ông bà của họ hàng; cầu mong sự phù hộ, giúp đỡ để gia đình ngày càng làm ăn được nhiều may mắn, không ốm đau bệnh tật, chăn nuôi phát triển. Trong lễ cúng tổ tiên, gia đình nào không có điều kiện tổ chức lễ cúng to sẽ làm mâm cỗ với lễ vật chính là thịt vịt. Vì vậy thịt vịt không thể thiếu và là nét ẩm thực đặc trưng riêng trong tết Xíp xí của người Thái.
Tiếp đó là lễ cúng vía trâu. Lễ cúng này được tiến hành ở dưới gầm sàn, ông mo hoặc bà mo sẽ cúng cầu mong con trâu của gia chủ luôn khỏe mạnh để làm tốt việc đồng áng. Sau lễ cúng vía trâu, con trâu sẽ được ăn những bó cỏ lau, lá gói bánh, còn thịt gà, bánh và xôi sẽ được chia cho trẻ con chăn trâu trong gia đình.
Trẻ con trong các gia đình mang bánh, xôi, gà lên bãi chăn trâu cùng liên hoan, sau đó nô đùa và chơi các trò chơi dân gian như: cướp cờ, nhảy dây, đuổi bắt, đánh khăng… tạo nên không khí vui tươi của tết Xíp xí. Vì vậy tết Xíp xí còn được quan niệm là tết của trẻ con.Cùng với các lễ cúng trên còn có lễ cúng họ ngoại và lễ cúng thần linh.
Dulichgo
Theo phong tục, người Thái dựng một cái lều ở sân cạnh nhà để thờ bố, mẹ vợ. Tết đến, họ mổ gà bày lễ cúng để cảm ơn công lao và cầu mong sự giúp đỡ phù hộ của họ nhà ngoại. Đối với các gia đình bố mẹ vợ vẫn còn thì tết Xíp xí là dịp vợ chồng, con cái đưa nhau về thăm bố mẹ vợ để thể hiện lòng hiếu thảo và chúc tết bố mẹ cùng gia đình vợ.
Cuối cùng là lễ cúng thần linh cũng được tổ chức trang trọng. Trong mâm lễ, lễ vật chủ yếu là cá nướng. Thầy mo vái lạy thần trời, thần đất phù hộ để bảo vệ đất đai, lãnh thổ của mình. Không phải gia đình nào cũng tiến hành đầy đủ 5 nghi lễ cúng trên, nhà nào có bố, mẹ vợ đã mất mới cúng họ ngoại; nhà nào có trâu thì mới cúng vía trâu.
Sau những nghi lễ trang trọng của ngày tết Xíp xí là phần hội. Mọi người trong các gia đình tổ chức ăn uống, vui chơi, thể hiện các nét văn hóa truyền thống. Trong mâm cỗ thì mọi người chúc tụng nhau, vừa nâng chén rượu vừa hát đối đáp cầu mong cho gia đình hạnh phúc, ấm no, mạnh khỏe; hát mừng cơm tết Xíp xí và hát trao duyên. Sau khi thưởng thức ẩm thực cũng là lúc tâm hồn thăng hoa, họ cầm tay nhau cùng hòa nhập vào vòng xòe trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tằng pẳng, mắc thính rộn rang. Tan hội xòe, các đôi nam nữ rủ nhau đi hái sim, tung còn, tối đến tổ chức hát đối đáp trao duyên và đi chọc sàn để làm quen, kết bạn se duyên.
Nói về không khí tết Xíp xí 2014, ông Hoàng Văn Giảng – người dân bản Căng Nà chia sẻ: “Tết truyền thống của chúng tôi năm nay rất vui bởi có sự quan tâm của các cấp chính quyền khi đã chỉ đạo, tổ chức phục dựng lại các nghi lễ đúng với truyền thống. Đây cũng là việc làm nhắc nhở chúng tôi phải bảo tồn và phát huy được các bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ đó mới làm được du lịch và thu hút khách du lịch”.
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh – Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Việc tổ chức tết Xíp xí còn là dịp quảng bá, giới thiệu tới du khách gần xa về phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ – Mường Lò. Cùng với việc bảo tồn, tổ chức tết Xíp xí, thị xã còn triển khai nhiều việc nhằm khai thác và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống trong cộng đồng dân tộc Thái như: tổ chức các lễ hội Hạn Khuống, Xên bản, Xên mường, mở các lớp dạy chữ Thái cổ, lớp truyền dạy các điệu dân vũ…”.
Dulichgo
Một tết Xíp xí và nhiều lễ hội đặc sắc khác mang nhiều ý nghĩa phong tục tốt đẹp và không khí vui tươi, phấn khởi, tiết kiệm của người dân sẽ ngày càng thu hút sự tìm hiểu, khám phá của du khách trong và ngoài nước về con người, phong tục tập quán và quê hương Nghĩa Lộ – Mường Lò, góp phần đưa Nghĩa Lộ – Mường Lò trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và xây dựng thành công thị xã văn hóa – du lịch.
Theo Thu Hằng (Báo Yên Bái)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét