Đập Phà Lài, công trình thuỷ lợi lớn nhất Con Cuông. Từ khi có đập Phà Lài, con sông Giăng mới được thuần hoá và đường vào bản tái định cư Cò Phạt, Khe Khặng của hơn 70 hộ gia đình dân tộc thiểu số Đan Lai mới bớt xa xôi. Có thể nói đây là một công trình nhân tạo, một công trình thế kỷ như người ở đây thường nói.
Phà Lài (Theo tiếng Thái, Phà Lài là lèn hoa). Quả đúng như tên gọi, trên những vách núi đá chênh vênh lơ lửng vô vàn các loài cây dây leo, mỗi cây có một loài hoa khác nhau, với nhiều màu sắc rực rỡ. Vào những ngày nắng đẹp nước sông Giăng trong xanh và có thể nhìn thấy đáy sông. Không khí thật trong lành, cảnh vật yên tĩnh.
Du thuyền ngược dòng sông Giăng, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên có một không hai. Hai bên bờ là những rừng cây nguyên sinh, cây cối xanh tươi. Ẩn hiện dưới những tán lá xanh là những thảm hoa đủ màu sắc, trông như những tấm lụa nhiều màu của các cô gái Thái trong ngày hội đầu Xuân.
Dulichgo
Trên những triền núi cao, xuất hiện nhiều cây cổ thụ, giây leo chằng chịt. Mỗi cây là một tuyệt tác của tự nhiên. Trên những thân và cành cây còn chằng chịt hàng chục loại Phong Lan, với nhiều màu hoa khác nhau, tạo nên những chiếc áo khoác cho cây tuyệt đẹp.
Càng vào sâu nước chảy càng xiết hơn, cây cối hai bên rậm rạp và đa dạng hơn, thỉnh thoảng có những ghềnh đá.
Vào những ngày đẹp trời, du khách có dịp bắt gặp đàn khỉ có đến mấy chục con xuống sông uống nước, chúng nhảy cả lên bè nứa của dân địa phương, có lúc còn tò mò lôi đồ đạc của những người đi bè ra xem xem, ngắm ngắm.
Từ Phà Lài ngược dòng chừng hơn 10km, dòng sông thu hẹp hơn. Vào dịp cuối Xuân, đầu Hạ du khách còn có dịp ngắm những đàn bướm trắng, bướm vàng có đến hàng ngàn con bay ra từ các vách đá hai bên. Đàn bướm bay lượn thành vòng tròn rồi bất ngờ tản ra, chui vào các lùm cây. Một lúc sau chúng tập hợp lại, tiếp tục bay lượn lên cao, xuống thấp như chào mừng sự xuất hiện của những vị khách phương xa đến. Giữa chúng hình như có một tổng đạo diễn cho tiết mục này.
Thuyền vào sâu nữa, dòng sông xuất hiện nhiều ghềnh, nước chảy mạnh hơn. Lúc này du khách phải bám chặt vào mạn thuyền, thưởng thức cảm giác mạnh, hò reo theo sự luồn lách ngoạn mục của con thuyền cùng với tay lái điêu luyện của những người dân địa phương điều khiển. Thỉnh thoảng du khách được chứng kiến nhiều pha trình diễn đầy hấp dẫn của những con thuyền gỗ đơn sơ xuôi dòng lao vun vút.
Dulichgo
Sau gần 2 giờ đồng hồ ngược dòng, du khách sẽ dừng lại bên bờ sông, đến với bản Cò Phạt của tộc người Đan Lai(Cò Phạt theo tiếng Đan Lai là Cây Lỗi, một loại cây có lá to như lá mít).
Tiếp xúc với những người dân Đan Lai, du khách có dịp nhiên cứu, khám phá được những nét văn hoá riêng của họ trong sinh hoạt hàng ngày, được nghe những câu chuyện cổ tích, những câu hát tuy từ ngữ mộc mạc, đơn sơ nhưng rất giàu tình người. Trước đây người Đan Lai trong bản chỉ biết vào rừng bẻ cái măng, bắt con thú, xuống sông đón con cá, con tôm. Ngày nay nhờ có cán bộ dưới xuôi lên chỉ bảo cho dân biết trồng cây lúa, cây ngô nuôi con trâu, gà, lợn nên cuộc sống đã khá hơn. Rừng xanh không còn bị chặt phá.
Kết thúc chuyến du thuyền trên sông Giăng, du khách sẽ đi tham quan di tích lịch sử văn hoá, lịch sử cây Đa - Cồn Chùa với sự ra đời của một chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở miền Tây Nghệ An trong giai đoạn 1930 - 1931 tại xã Môn Sơn huyện Con Cuông.
Dulichgo
Tham quan làng nghề dệt Thổ Cẩm truyền thống của đồng bào Thái cổ tại hai xã Lục Dạ, Môn Sơn. Cùng dự dạ hội, uống rượi Cần với dân địa phương để có dịp nghiên cứu, tìm hiểu các phong tục tập quán, bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc Thái cổ.
Theo Talk37, Sách Nguyễn
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét