Hành hương lên Thác Vàng Yên Tử

(BQN) - Yên Tử có rất nhiều tuyến đường hành hương nhưng tuyến hành hương lên Thác Vàng Yên Tử vào tháng 4 có những cảnh đẹp làm say đắm lòng người mà bất cứ ai đến đây cũng nhớ mãi nơi này.
Nằm ở phía Tây chùa Hoa Yên, đi trên con đường lát đá, du khách sẽ bắt gặp một cây cột gắn với tấm biển chỉ dẫn đường chia làm hai hướng: Một hướng dẫn xuống Ga Cáp treo 2 và một hướng chỉ lối dẫn vào Thác Vàng. Bước qua một chiếc cổng được thiết kế khá độc đáo gần gũi với thiên nhiên là con đường dẫn vào Thác Vàng, hai bên là những cánh rừng nguyên sinh xen lẫn những cây cổ thụ cành lá sum suê. Điều đặc biệt gây ấn tượng với du khách, con đường này vẫn còn khoảng chục cây xích tùng cổ ven đường có niên đại vài trăm năm tuổi, rễ cây trồi lên mặt đất và xuyên qua kẽ đá.

Trên đường đến Thác Vàng, du khách sẽ gặp Thác Ngự Dội, tương truyền là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông ngự tắm. Thác được tạo nên bởi một nhánh của suối Long Khê (Khe Rồng) dẫn nước ngầm từ lưng núi Yên Tử xuống, uốn lượn qua các thềm đứt gãy kiến tạo cách đây khoảng 10 triệu năm vượt qua địa hình dốc đứng tạo thành dòng thác cao hơn chục mét.
Dulichgo
Gần thác Ngự Dội có am Thiền Định, xưa kia là nơi toạ thiền của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Đến nay, am xưa không còn, chỉ còn nền am cỏ cây che phủ kín. Từ am Thiền Định, du khách tiếp tục đi sâu vào bên trong phía cuối con đường, đó chính là thác Vàng.

Thác cao khoảng hơn chục mét, xung quanh có nhiều loài cây gỗ lớn, đặc biệt là cây hoa mai và hoa ngọc lan. Về mùa khô, thác nước chảy róc rách. Vào mùa mưa, từ tháng 5-8, cả hai thác Ngự Dội và Thác Vàng có nhiều nước và đẹp nhất vào mùa này trong năm.

Điều ấn tượng đặc biệt với du khách, trên con đường hành hương đến Thác Vàng Yên Tử, thi thoảng du khách sẽ bắt gặp một vài cây mai cao đến hơn chục mét mọc trên những vách đá cheo leo. Đây được gọi là những “Đại lão mai” có đến hàng trăm năm tuổi. Tương truyền rằng, vào thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông sau khi lên núi Yên Tử tu hành đã cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Những cây mai được trồng ở khắp nơi trên núi Yên Tử sau hàng thế kỷ đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn.

Theo các nhà nghiên cứu, cùng với tùng, mai cũng là loại cây gắn liền với quá trình tu hành của các nhà sư, được đưa về Yên Tử từ thời Trần. Vì vậy, cây thường mọc trên những tuyến đường hành hương dẫn đến các di tích, chùa tháp nơi đây. Bây giờ, rừng mai cổ thụ không còn nữa nhưng trên đường hành hương lên chùa Đồng - Yên Tử, du khách vẫn thoáng gặp những “Đại lão mai” ẩn mình trên những vách núi.
Dulichgo
Giữa tháng 4, con đường dẫn vào Thác Vàng, Yên Tử, ta vẫn bắt gặp những cây mai vàng nở rộ. Hoa mọc thành chùm lớn, từng bông xoè rộng 5 cánh to vàng rực, nụ hoa mập, lộc xanh biếc, thu hút nhiều ong đến hút mật và đặc biệt, hương thơm dịu thanh khiết.

Thoạt nhìn, mai vàng Yên Tử có nhiều nét giống với mai vàng miền Nam, cũng mang sắc vàng rực đặc trưng, bông lớn và có hương thơm. Tuy nhiên, có lẽ do sinh trưởng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc, trong rừng già trên núi cao, thân cây mai vàng Yên Tử mang vẻ cứng cáp gân guốc hơn, mai nở muộn hơn.

Vào tháng này, con đường hành hương lên Thác Vàng Yên Tử đẹp như tranh vẽ, ánh mắt du khách như bị cuốn theo bởi những thác nước chảy róc rách. Những cây xích tùng cổ thụ, những đốm vàng tinh khiết của bông mai vàng ven đường hoặc trên những triền núi phía xa đem lại cho du khách những ấn tượng độc đáo khi về với non thiêng Yên Tử. Quả thật, đến Yên Tử không chỉ là đến với những kiến trúc và lịch sử Phật giáo mà còn đến với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Theo Cẩm Thu (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!
Share on Google Plus

About Unknown

Bạn thích du lịch, ham "phượt" hay "Bụi một chuyến"? hãy cùng Du lịch phượt khám phát những nơi cần đến của bạn và dành cho bạn với hành trình chinh phục mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét