(Giải trí) - Luang Prabang, Vieng Chăn, Sa Vẳn… các thành phố lớn của Lào đều trải mình bên bờ sông Mekong. Đã xa rồi Lào ơi, song vẫn nhớ một đất nước yên bình và con sông mẹ Mekong mang phù sa về với đất Việt.
< That Luong o Viêng Chăn.
+ Luang Prabang - Cố đô thanh bình
Chiếc máy bay ATR 72 của Vietnam Airlines đầy khách đưa chúng tôi từ sân bay Nội Bài đáp xuống Luang Prabang lúc 11 giờ trưa. Trái hẳn với khí hậu ở Việt Nam, tháng này ở Lào nắng và nóng, chúng tôi cởi vội áo khoác và áo len rồi xuống máy bay.
Sau khi đổi một ít tiền kíp, chúng tôi đáp xe taxi về trung tâm thành phố. Khách nước ngoài đến Luang Prabang khá đông, việc tìm một chỗ trú ngụ khá vất vả.
Biết chúng tôi từ Việt Nam sang, bác tài chở đến nhà trọ của một gia đình Việt kiều ở Lào, nhờ đó việc tìm chỗ ở cũng thu xếp nhanh chóng. Cảm thấy có chút may mắn vì mùa này khách du lịch rất nhiều nên tìm phòng trọ mấy ngày không dễ. Giá phòng cũng mềm: 120.000 kip một đêm (1 kip Lào = 2,7 đồng).
< Tháp Dưa hấu trước chùa Visoun ở Luang Prabang.
Ở Luang Prabang hơn 2 ngày, chúng tôi được dịp đi thăm nhiều thắng cảnh cố đô Lào. Luang Prabang được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1997. Đến đây ngoài việc đi thăm chùa chiền, di tích và một số hoạt động văn hoá tại khu trung tâm, khách còn có thể tham quan một số điểm thiên nhiên kỳ thú như thác Kuangsi hùng vĩ cách thành phố khoảng 25 km về phía Nam hay động Pak Ou kỳ bí ở phía Bắc.
Đến Lào không thể không nhắc đến chùa, vì đây là một đất nước sùng đạo Phật. Tại Luang Prabang có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng như chùa Vat Mai (thế kỷ XVIII), chùa Vat Xieng Thong do vua Setthathirat xây năm 1560, chùa Vat Visoun xây năm 1515 (được xây lại vào năm 1898) và hàng chục ngôi chùa khác nằm trên tất cả các con phố ở cố đô.
Lúc 17g chiều, ghé vào chùa Ho Xieng toạ lạc trên một khu đất rộng rãi dọc phố Chao Fa Ngum, chúng tôi lặng nghe tiếng tụng kinh của mấy chục nhà sư trẻ dưới 20 tuổi. Trong ánh nắng chiều nhạt, nhiều du khách Tây cũng lạc bước đến đây, dừng chân ngoài hành lang hoặc ngồi trước sân chùa lắng nghe những lời Phật dạy.
< Chùa Vat Xieng Thong ở Luang Prabang đang được trùng tu.
Chùa ở Lào không thắp hương, thay vào đó người ta dâng hoa vạn thọ màu hồng hay màu đỏ quấn bằng lá chuối xếp thành những tháp nhỏ với vật phẩm để cúng là xôi được vo thành những viên nhỏ.
Dulichgo
Ngay ở trung tâm Luang Prabang là núi thiêng Phousi. Trên đỉnh núi là tháp That Chomsi cao 20m. Để lên đến đỉnh, bạn phải leo 328 bậc con đường lát đá. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Luang Prabang và khu vực chung quanh cũng như ngã ba sông Khan chảy vào sông Mekong.
Phía chân núi Phousi về hướng Mekong là hoàng cung dành cho vua Sisavangvong được xây dựng vào năm 1904. Bây giờ khu này được dùng làm bảo tàng quốc gia với nhiều tượng Phật cổ, trống đồng, ngà voi và nhiều hiện vật cổ.
Sau một ngày thăm thú khắp nơi trong thành phố, khách có thể ghé chợ đêm trên đường Sisavangvong nơi bày bán các loại hàng thổ cẩm và các vật dụng mà khách có thể chọn mua để kỷ niệm chuyến đi.
< Chợ đêm ở Luang Prabang.
Chợ là những tấm bạt màu đỏ được dựng lên lúc 5g chiều và sẽ được dọn đi lúc 22g đêm. Khách thong thả dạo bước từ hàng này qua hàng khác mà không bị chèo kéo. Ở chợ nói thách cũng nhiều, được cái là bạn có thể xem hàng và trả giá thoải mái rồi không mua mà không sợ bị chủ hàng mắng mỏ.
Trên một con đường nhỏ cắt ngang chợ đêm bán đồ lưu niệm là khu bán thức ăn tối. Nhìn chung thức ăn đồ uống của Lào khá đắt. Chọn một con gà quê và một con cá rô phi sông Mekong nướng vàng ươm, mua một ít xôi đồ và kiếm chai bia Lào, chúng tôi ngồi ở một cái bàn được đặt trong chợ cùng với rất nhiều khách Tây ăn uống ngon lành trước khi trở về nhà trọ trên chiếc tuk tuk lúc 10 giờ tối.
Thành phố về đêm rất tĩnh lặng. Mặc dù du khách đến đây tăng lên hàng năm, hạ tầng đang phát triển nhưng bầu không khí thanh bình và dịu dàng vẫn giữ nguyên được nét đặc trưng Lào.
Sáng hôm sau, trước khi đi xe xuống Vang Viêng, 5 giờ sáng chúng tôi ra phố xem các nhà sư đi khất thực. Nhiều người dân Lào cũng dậy sớm nấu xôi và chờ sẵn trước nhà để bỏ vào bình bát của các sư đi qua các phố. Tại khu dành cho khách du lịch, có một số người dân chuẩn bị xôi và chiếu để du khách thực hiện nghi lễ cúng dường với một mức phí chấp nhận được.
< Kết hoa dâng Phật.
Với những đặc thù riêng hiếm có cũng như cuộc sống yên bình thanh thản, nhiều du khách phương Tây đã dừng chân tại Luang Prabang hàng tuần, thậm chí nhiều tuần để nghỉ ngơi và thư giãn.
+ Viêng Chăn - Thủ đô duyên dáng
Điểm đến tiếp theo của chuyến đi là Viêng Chăn. Viêng Chăn còn có tên gọi cổ là thành phố của gỗ đàn hương (The city of santal), hay một tên khác là thành phố mặt trăng (The city of the moon).
Dulichgo
Thủ đô của Lào thật kỳ lạ, với 600 ngàn dân, Viêng Chăn là thành phố lớn nhất của Lào nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng và những tiện nghi của một thành phố nhỏ. Xe ô tô trên đường không bóp còi, tiếng còi được hiểu là có sự cố và xe ô tô luôn nhường đường cho người đi bộ.
Cũng như mọi thành phố khác, Viêng Chăn có nhiều chùa lớn ở khu trung tâm. Chỉ cần đi bộ dọc đường Setthathirath, du khách có thể được xem nhiều chùa to như chùa Ing Hang, Ong Teu, Miaxay..., nhưng lớn và cổ nhất vẫn là chùa Sisaket và Ho Pra Keo.
Chùa Sisaket nằm ở góc đại lộ Lane Xang và đường Setthathirath, được xây dựng từ năm 1818 đến 1824 là chùa cổ nhất còn lại đến ngày nay. Nét độc đáo của ngôi chùa này là trong chùa có đến 6.840 pho tượng Phật. Theo truyền thống địa phương, chùa Sisaket là nơi giới quý tộc Lào đến để thề nguyện trung thành với nhà vua.
< Patuxay (Khải hoàn môn) ở Viêng Chăn.
Chùa Ho Phra Keo nằm đối diện chùa Sisaket và được vua Setthathirath xây dựng vào năm 1565 để làm nơi đặt tượng Phật Ngọc, vì thế Ho Pra Keo được gọi là chùa Phật Ngọc và là ngôi chùa dành riêng cho giới quý tộc Lào. Hiện nay tượng Phật Ngọc này được trưng bày tại chùa Vat Pra Keo ở Bangkok.
Một điểm tham quan được tất cả du khách đến là Patuxay, một đài tưởng niệm trên đại lộ Lane Xang. Từ xa, Patuxay giống Khải hoàn môn Paris, nhưng đến gần thì các dấu ấn kiến trúc Lào trông rất rõ nét.
Mua vé 5.000 kip trèo lên đỉnh tháp, chúng tôi cảm nhận làn gió mát trong buổi sáng ở thủ đô và thoải mái phóng tầm mắt quan sát toàn thành phố Viêng Chăn về cả 4 hướng.
Từ Patuxay đi tiếp khoảng hơn 1 km sẽ đến That Luong, một loại kiến trúc đặc trưng của Lào, nơi tương truyền rằng còn lưu giữ nắm tóc của Đức Phật.
+ Mukdahan - Sa Vẳn - Đà Nẵng: qua 3 nước trong một ngày
< Tượng Phật trong chùa Sisaket ở Viêng Chăn.
Từ Viêng Chăn đáp xe buýt đêm đi Sa Vẳn, xe chạy khá nhanh nên khoảng 4 giờ sáng xe đã đến nơi. Sau khi lên xe tuk tuk vào trung tâm thành phố tìm chỗ ở, chúng tôi lên chuyến xe buýt sớm nhất lúc 8g30 qua cầu Hữu Nghị sang Mukdahan của Thái Lan bên kia sông Mekong.
Tôi đã có lần đến Mukdahan cách đây khoảng 11 năm, nay có dịp quay trở lại, thấy thành phố này vẫn không có nhiều thay đổi. Trong khi hơn chục năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi khác trước, vươn lên mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển.
Trước đây qua Mukdahan phải đi phà, nay có cây cầu Hữu Nghị nối liền 2 bờ sông Mekong trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, nên việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. Hàng ngày rất nhiều chuyến xe buýt đưa người Lào (và cả người Việt) qua Mukdahan và người Thái đã bán được nhiều hàng hoá và thực phẩm cho người Lào nhờ có cây cầu này.
Dulichgo
Từ Sa Vẳn, hàng ngày có xe về Việt Nam. Tuy là xe tuyến quốc tế nhưng trong xe cũng chất lỉnh kỉnh hàng hoá dọc lối đi giữa xe, lại thêm nhiều ghế nhựa dành cho khách bắt thêm dọc đường, chẳng khác gì xe đò chạy tại Việt Nam. Quốc lộ 9 phần bên Lào tuy mới được tu bổ nâng cấp nhưng nhiều đoạn đã hư hỏng trở lại.
< Thuyền trên sông Mêkông ở Luang Prabang.
Làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Đen Sa Vẳn - Lao Bảo mất 2 giờ. Cảnh những người Việt và người Lào chen lấn tranh nhau làm mấy anh chàng Tây ngao ngán. So với cửa khẩu từ Sa Vẳn qua Thái, lượng khách cũng rất đông đúc, việc làm thủ tục được công an cửa khẩu hướng dẫn nghiêm và diễn ra trật tự hơn.
Do mất nhiều thời gian làm thủ tục nên hơn 7 giờ tối xe mới đến Huế. Xuống xe, chúng tôi tranh thủ đón taxi về Đà Nẵng, kết thúc chuyến đi 8 ngày 7 đêm đến đất nước Lào.
Tuy đi nhiều ngày cũng có chút mệt mỏi nhưng chuyến đi vui và bổ ích, cho thêm hiểu biết về một miền đất mới. Trưa ở cửa khẩu Đen Sa Vẳn, ăn cơm ở một quán ăn do người Việt nấu tại vùng biên giới, chỉ một chút dưa cải muối, rau xào và ít thịt gà ướp và nấu theo hương vị Việt Nam, thấy sao mà ngon thế. Chỉ có thế, mà khi quay về lại thấy yêu mến đất nước mình nhiều hơn...
Theo Nguyễn Hai (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét