Kon Sơ Lăng trong quên lãng

Nếu bạn nghe lời các công ty lữ hành, rảo bước quanh quốc lộ 14 thì chắc chẳng bao giờ có thể nhìn thấy một ngôi làng Bana cổ với tường bằng đất sét đỏ trộn rơm, với những đường nét điêu khắc trên gỗ mô tả cuộc sống thô sơ với mẹ Rừng của họ.

Lập Xuân. Dường như cái Tết ngay tức khắc biến mất khi chuyến xe đã dời khỏi vùng ngoại ô Gia Lai. Chúng tôi không nhắc đến Tết nữa. Ai nấy đều như đang căng phổi ra hít thở cái không khí mát lạnh, cái ánh nắng trong veo, mắt nhìn cho no cái màu vàng rã rượi thương nhớ của dã quỳ. Con đường càng bò sâu vào phía huyện Chư Pah, hun hút vào đến xã Hà Tây thì đất như càng nhạt đi, không phải cái màu đỏ rực của những màu mỡ cà phê nữa, mà bầm lại cằn cỗi, là sắn, là những vùng núi trọc.

Chúng tôi đã lên đến cái bình nguyên có độ cao nhất của đỉnh Trường Sơn nằm giữa Gia Lai và Kontum. Đích đến là Kon Sơ Lăng, nghe giới thiệu là ngôi làng Bana cổ nhất Trường Sơn Đông. Ông bạn ở ngành kiến trúc bảo, hãy đến trước khi “nó” chết. Ai xóa sổ “nó”? Trả lời: Thời gian!
Vậy thì phải đến, để xem một vòng đời của ngôi làng đã diễn ra thế nào. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng thật sự ai cũng có cảm giác sốc khi sống với làng Kon Sơ Lăng hơn một ngày.

< Nhà rông khi chưa cháy.

Ai nấy đều thảng thốt khi ngôi làng hiện ra giữa khu rừng thưa vắng, yên ắng đến nao lòng. Giữa khu rừng thưa, hơn 50 nóc nhà đứng quây quần bên nhau. Quả thực nếu bạn nghe lời các công ty lữ hành, rảo bước quanh quốc lộ 14 thì chắc chẳng bao giờ có thể nhìn thấy một ngôi làng Bana cổ với tường bằng đất sét đỏ trộn rơm, với những đường nét điêu khắc trên gỗ mô tả cuộc sống thô sơ với mẹ Rừng của họ.
Dulichgo
Không phải những nhà dài hoành tráng nói lên sự sung túc và đông đúc. Vẫn là nhà dài truyền thống, mỗi ngôi nhà là một số phận riêng trong cộng đồng làng. Có những nhà thấp lợp tranh, đôi nhà mái ngói. Nhưng từng chi tiết đều chạm trổ, tinh xảo.

Trong cái im lìm hoang vắng ấy, đôi lúc tôi giật mình hoang tưởng, ngỡ đâu đó có một bóng dáng đàn ông Bana ngồi tỉ mẫn đẽo gọt trên gỗ hình một con thú hoang anh ta đã thấy trong rừng hồi đêm qua. Từng chi tiết trong các ngôi nhà đều nói lên sự khéo léo của người đã tạo ra chúng. Ngôi nhà rông đứng sừng sững giữa làng cũ.

Ngôi nhà tuyệt đẹp được chạm trổ tinh xảo kể những huyền tích cổ xưa của người Bana, chắc chắn nơi này từng vang dội tiếng cồng chiêng và những điệu dân vũ say đắm của những chàng trai cô gái, từng chứng kiến bao đêm dài rượu cần uống mãi không cạn cùng bài trường ca dài mê mải. Không gian của những ngày xưa cũ ấy như chìm sâu hẳn trong đời sống của tổ tiên, như đã lùi xa hẳn về với quá khứ của hàng ngàn năm trước.

Nhà rông trống không, tựa như người khổng lồ đã yên nghỉ, giờ chỉ còn lại duy nhất dấu tích một bếp cũ với tro nguội và vài thanh củi đen xỉn lăn lóc. Các chủ nhân cũ đã đem theo tất cả những hoài niệm trong hành trình về làng mới. Thế nhưng không phải mọi người đều ra đi. Ngôi làng cổ kính vẫn còn sáu người ở lại. Tất cả đều đã trên bảy mươi tuổi. Có cụ ông ngót nghét gần 100 tuổi.

Phải chăng họ là những người đã để cho hoài niệm cũ, của cuộc sống quen thuộc với rừng trói chặt và quyết định ở lại trong cô đơn, hoang lạnh. Họ dứt hẳn mình ra khỏi đời sống hiện tại, như chưa hề có một sợi dây liên hệ nào với thế giới văn minh ngoài kia.

Mẹ của trưởng thôn Huyh Dữu cũng sống ở làng cũ. Hơn 70 tuổi, bà vẫn đi trồng sắn trong rẫy sát rừng. Con cái của bà đều đến định cư ở làng mới. Thỉnh thoảng Huyh Dữu về thăm mẹ, đem cho mẹ ít gạo và thức ăn. Anh phải rời đi ngay, vì cuộc sống ở làng mới đang chờ anh với bao lo toan, vì mùa màng, nương rẫy, lũ gia súc và những đứa bé cần phải được đến trường.
Dulichgo
Tôi và Huyh Dữu đi tới đi lui trong làng, nhìn ngắm sáu cụ già ngồi ngay trước cửa nhà sàn lặng lẽ chuốt nan đan gùi suốt cả ngày, cứ như một cách tiêu khiển. Chúng tôi muốn ở lại với các cụ thêm một vài ngày, coi như tìm kiếm những trải nghiệm về “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhưng không thể ở lâu. Nơi đây, ngoài vẻ đẹp hoang sơ của làng cổ, không có cách gì để tìm kiếm đồ ăn vì quá xa đường lộ.

Làng mới nằm ngay ven đường tỉnh lộ. Làng được quy hoạch xây dựng theo kiểu ô bàn cờ, với hàng chục nhà trệt, lợp tôn thấp lè tè. Chỉ cách làng cũ 4 cây số, nhưng khoảng cách ấy tựa như cả ngàn năm. Đó là một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của nền văn minh, nơi đó thời gian trôi nhanh hơn.

Ông già Chil, ngồi thu lu ở nhà sàn ngó ra. Ông bà không biết tiếng kinh. Điệu cười của họ hồn nhiên, giống như ngờ nghệch, nhìn kỹ thì nụ cười ấy chính là nụ cười cổ điển được các nghệ nhân khắc họa trên tượng dân gian.

Ở làng mới, trẻ con đi học, người lớn đi làm. Cuộc sống cũng gần như một làng người Kinh, với điện, đường, trường, trạm. Ngôi nhà chúng tôi tá túc ở làng mới có đám cưới. Chủ nhà này cưới chồng cho con gái. Tiệc rượu bày ra hai ngày. Đám thanh niên không còn mặn mà với vũ hội cồng chiêng, họ xúm vào màn hình karaoke, với nhiều hình ảnh thành phố hiện đại...

< Một ngôi nhà cũ vẫn bình yên giữa làng.

Ở gần đường, hoạt động buôn bán trao đổi diễn ra tấp nập hơn. Điều đáng ngạc nhiên là việc làm một con đường dài 4km nối vào làng cũ đơn giản hơn nhiều so với dời cả mấy chục nóc nhà đến nơi ở mới, nhưng vì nhiều lý do, người ta vẫn không làm.

Số phận ngôi làng cũ sẽ ra sao khi những người già cuối cùng về với tổ tiên? Vẻ đẹp tuyệt vời xưa cũ của nó đã lọt vào mắt các nhà làm du lịch. Ngành du lịch đang muốn biến ngôi làng trở thành một bảo tàng điêu khắc về kiến trúc Bana. Mai đây rồi trong ngôi nhà rông kia sẽ lại tái hiện vài đêm kể khan, vài điệu cồng chiêng chiều lòng du khách.

Có lẽ những chàng trai cô gái sẽ được mời về làng cũ, được trả tiền để múa vài điệu dân vũ ngượng ngùng bởi đã bỏ quên từ lâu. Có lẽ bếp lửa đã lụi tàn sẽ được khơi lại, để người hướng dẫn viên du lịch kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa, người làng Kon Sơ Lăng sống giữa rừng sâu...”.

< Nhà rông làng Kon Sơ Lăl cũ đã từng được trả giá 9 tỷ đồng giờ chỉ còn là một đống tro tàn...
Dulichgo
Nhưng chiều sâu văn hóa thực sự của cộng đồng, lẽ ra đã được bảo tồn trong đời sống một cách sống động, tiếp biến và bền vững thì biến thành hiện vật bảo tàng thiếu hơi thở, thiếu hồn cốt, thiếu mạch nguồn nuôi dưỡng, nằm chết im lìm. Sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Bất cứ một chính sách kinh tế thiếu thận trọng nào cũng dễ phá vỡ cơ chế xã hội đặc sắc, đó là văn hóa làng - rừng của đồng bào Tây Nguyên.

Kon Sơ Lăng, xã hội Bana nhỏ bé này cần một cái nhìn tinh tế, hiểu biết và thận trọng tối đa trong những tác động phát triển mạnh mẽ ngày nay.

Theo Bích Hồng, Đoàn Lê (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

ĐGD: Làng Kon Sơ Lăng cũ  là 1 trong 4 ngôi làng định cư lâu đời của người Ba Na ở xã Hà Tây. Làng có chừng hơn 50 nóc nhà quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng, quang quẻ, xung quanh là rừng thưa. Trong đó, ngôi nhà rông truyền thống và gần 20 căn nhà sàn làm bằng gỗ trắc rất giá trị.

< Phía xa là một ngôi nhà sàn bằng gỗ trắc may mắn thoát nạn.

Các nhà còn lại, trừ vài mái ngói, tất cả nhà sàn nơi đây đều lợp tranh, sàn gỗ chắc chắn, vách nhà bằng liếp tre, nứa hoặc bằng đất sét trộn rơm. Cùng với đó là những giá trị về kiến trúc, lịch sử và tâm linh. Bởi những giá trị này, khi chuyển về làng mới-năm 2002, dân làng đã không tháo dỡ những ngôi nhà gỗ quý, mà bảo tồn nguyên vẹn.

Đến tháng 8/2013, làng chỉ còn 5 cụ già nhất còn ở lại. Cuối tháng 4/2015, một vụ sét đánh gây hoả hoạn và một cơn giông tiếp ngay sau đó, khiến vụ cháy nhanh chóng lan rộng gấp 10 lần, đã thiêu huỷ 12 căn nhà bằng gỗ quý.  Vụ hỏa hoạn không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất của dân làng nói riêng mà Tây Nguyên cũng mất đi một báu vật đã có hàng trăm năm khiến dân làng ai cũng xót xa.
Share on Google Plus

About Unknown

Bạn thích du lịch, ham "phượt" hay "Bụi một chuyến"? hãy cùng Du lịch phượt khám phát những nơi cần đến của bạn và dành cho bạn với hành trình chinh phục mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét