Du mục trên quê hương mình

(DNSG) - Mùa mưa cũng như mùa khô, họ đi qua những bàu nước và trảng cỏ, đi xuyên qua những cánh rừng còn sót lại... Cứ thế, những người chăn thả trâu, bò ở vùng biên giới phía Tây Nam này như những du mục cả đời lang thang, cần mẫn với công việc nuôi gia súc.

1. Trên con đường đất đỏ bụi mù một ngày đầu mùa mưa ở huyện biên giới Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), chúng tôi đã gặp những đàn trâu, bò hàng trăm con rong ruổi kiếm ăn trên những bãi cỏ, cánh rừng thưa. Đó là gia súc của người dân trong vùng nuôi lấy thịt - một nghề khá phát đạt ở vùng biên giới rộng lớn này.

Kể về "đời du mục", ông Đặng Văn Tám, 62 tuổi, ngụ ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) cho biết: "Tôi làm nghề chăn thả gia súc đã gần hai chục năm. Thường, lúc nào gia đình tôi cũng phải có chừng hai ba chục con trâu lẫn bò. Ở đây nuôi trâu, bò không như dưới xuôi, không nhốt trong chuồng và mua cỏ về cho ăn mà chúng được lùa ra những nương đồi, những bãi cỏ hoang, tự chúng kiếm ăn. Nhiều đợt chúng tôi phải lùa trâu, bò đi xa lắm, sang tận bên Lộc An, Lộc Thuận, Long Bình hay xuống ven hồ thủy điện Sôk Phú Miêng. Dưới ấy nhiều cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc xanh tốt nên có đàn ở đó cả tháng trời.

Những lúc ấy, ngoài việc tìm chỗ neo đàn vào ban đêm thì việc dựng lều bạt ở tạm cho người chăn thả cũng rất cần thiết - Vừa nói, bác Tám vừa chỉ tay vào đống nồi niêu xoong chảo với mắm muối, dầu ăn - Lang thang, mỗi nơi tạm trú dăm bữa nên thức ăn của chúng tôi chủ yếu là cá khô, đậu phộng, cá hộp, mì gói. Mỗi lần di chuyển, lều bạt, thực phẩm lại chất lên lưng con trâu đầu đàn. Đến chỗ nào ưng ý thì dừng lại, nấu nướng ăn uống rồi khi cỏ hết, lại tìm đến trảng cỏ khác. Cứ thế mà chúng tôi gắn đời mình cùng miền biên giới này".
Dulichgo
Ngừng lại giây lát, bác Tám lại kể: "Đời du mục như tôi, đi nhiều, thấy nhiều và gặp gỡ cũng nhiều nhưng lại cô đơn. Đêm thì buộc đàn, đốt lửa xua thú, xua muỗi để ngủ. Trước, cả nhà tôi đều là "dân du mục" nhưng cách đây 6 năm, gom được ít tiền mua miếng đất, dựng nhà dưới ngã ba chợ Lộc Hiệp nên vợ và 4 đứa con của tôi ở nhà, làm vườn. Với những người chăn thả lâu năm như tôi, việc một mình quản lý cả đàn vài chục con trâu, bò là chuyện bình thường, cũng chẳng phải lo mất mát hay lạc đàn. Sợ nhất là chúng đau ốm. Khi ấy, nếu không cứu chữa kịp, mình phải gọi điện cho thương lái tới mua ngay kẻo để chúng chết thì không bán được".

Ngoài không nhiều người như bác Tám thì ở đây phần đông người chăn thả trâu, bò là dân làm thuê cho các chủ trang trại gia súc. Các ông bà chủ này sở hữu vài trăm con trâu, bò, phân đàn cho những người nông dân nhận nuôi.

Cứ nửa tháng hay một tuần, họ lại đi kiểm tra đàn gia súc của mình. Khi cảm thấy chúng đã đủ lớn và đủ béo, chủ sẽ lấy lại trâu bò để bán cho các lò mổ, cung cấp thịt gia súc cho thị trường. Người chăn thả thuê sẽ nhận được phần công dựa trên số lượng trâu bò nếu không có mất mát hay chết chóc.

Theo chị Điểu Lai, 34 tuổi, người Stiêng ở xã Lộc An (Lộc Ninh), mấy năm qua, vợ chồng chị nhận chăn bò cho một chủ trang trại ở thị xã Bình Long. Do là người địa phương nên anh chị thông thạo từng bãi cỏ, cánh rừng nơi đây, thuận tiện cho việc chăn thả gia súc.
Dulichgo
Luật bất thành văn, nếu trong thời gian chăn thả, trâu bò sinh sản thì con của con đó thuộc về người chăn. Vì vậy, nếu chỉ cần có một hai con trong đàn sinh sản là những người làm thuê như gia đình chị Lai đã có thêm cả chục triệu đồng, cùng với số tiền công.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng biên giới Bình Phước, Tây Ninh hiện nay nhập rất nhiều trâu bò theo đường tiểu ngạch từ Campuchia về Việt Nam. Chúng đều là những trâu, bò nhỏ, gầy gò nên phải trải qua một thời gian chăm sóc, nuôi ở vùng biên trước khi được đưa về xuôi để tiêu thụ. Nhờ vậy, hàng trăm hộ dân nghèo ở đây đã liên kết với các chủ trang trại gia súc để nhận chăn thả thuê.

2. Nhờ có điện thoại di động mà việc những người du mục bị lạc đường trên hành trình dắt trâu bò đi ăn đã không còn là nỗi ám ánh nữa. Khoảng vài năm trước, theo như bác Tám kể thì nhiều đêm đốt lửa kiểm kê trâu, bò thấy thiếu nên phải đi tìm ngay. Giữa rừng núi đêm hôm, rất khó để định vị chính xác đường đi nên chuyện lạc đường là khá thường xuyên.

Ngay như bản thân bác, từng gắn bó cả đời với mảnh đất biên ải này cũng không ít lần bị lạc. Chẳng hạn, một đêm cả nhà dựng lều bên hồ Cần Đơn ở Bù Đốp để nghỉ thì bác phát hiện thiếu một con bò mẹ và một con bò con.

Kinh nghiệm lâu năm mách bảo rằng, cứ đi về phía trời quang là sẽ gặp vì trâu, bò thường ưa sáng khi chúng lạc đàn trong đêm. Nửa đêm, sau khi đi qua nhiều cánh đồng hoang, khu rừng thưa thì bác tìm được mẹ con bò. Nhưng do quá vội nên bác và hai mẹ con con bò đã mất phương hướng để về, bởi lúc này mây kéo đến làm bầu trời đen kịt.

Bác Tám còn cho biết, với những người chăn thả du mục, chuyện dẫn đàn đi nhầm vào những đồng cỏ của nước bạn Campuchia là chuyện có thể xảy ra.
Dulichgo
Nhiều lần dẫn đàn lên đầu nguồn sông Bé ở Bù Gia Mập, đàn trâu, bò của bác Tám sang đất bạn ăn cỏ lúc nào không hay. Có khi đi sâu vào đất người ta cả mấy cây số, gặp người dân ở những ngôi làng bên đó mới biết mình nhầm đường.

Cũng may, hầu hết những người dân Campuchia sinh sống ở biên giới đều thân thiện, cởi mở và nhờ vốn liếng tiếng Khmer của bác Tám thuộc loại khá nên dễ dàng giao tiếp với cư dân nước bạn. Cũng nhờ thế mà nhiều lần bác cùng vợ sang chợ Kandal của bạn để mua trâu, bò về nuôi.

Về công việc hiện nay, bác Tám bảo nuôi bò thì dễ bán nhưng nuôi trâu lại có tiền hơn vì giá một con trâu tương đương ba con bò. Hơn nữa, trâu nhanh lớn, dễ nuôi, ít bệnh mà lại thuần tính.

Có lẽ đó chính là lý do mà suốt hơn 20 năm qua, bác Tám đã gắn bó cuộc đời mình với những con trâu, con bò. Vẫn biết đây chỉ là một nghề tạm nhưng đã nhiều năm gắn bó với chúng, có bỏ để ở nhà làm công việc khác cũng khó.

"Mấy người con tôi đều khuyên, cha già rồi, lăn lộn ngoài trời cả đêm lẫn ngày hoài là không tốt, nhỡ bệnh tật thì biết kêu ai. Ở nhà nuôi một vài con trâu quanh quẩn cho khỏe, nhưng tôi không chịu. Cái số mình, cũng như những con trâu, con bò kia vậy, không đi không được. Nghỉ ờ nhà là cái chân cuồng lên, khó chịu lắm", bác Tám tâm sự.

Nhìn bóng người nông dân già lầm lũi đi sau đàn trâu trong ánh hoàng hôn dần tắt phía sau những tán rừng biên giới, chúng tôi không khỏi nao lòng. Dường như với ông, sinh ra là để sống kiếp du mục, là để rong ruổi cùng đàn gia súc giữa vùng biên hoang hoải vậy.

Theo Đoàn Đại Trí (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!
Share on Google Plus

About Unknown

Bạn thích du lịch, ham "phượt" hay "Bụi một chuyến"? hãy cùng Du lịch phượt khám phát những nơi cần đến của bạn và dành cho bạn với hành trình chinh phục mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét