Tại ấp Bà Mi, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè - tỉnh Trà Vinh có một công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật rất độc đáo, thường được người dân trong vòng gọi là mộ ông Hàm. Đây là phần lăng mộ của ông Hàm Huỳnh Kỳ, một công trình kiến trúc độc đáo hội tụ bản sắc văn hóa của cả 4 dân tộc hiện diện ở đất Trà Vinh xưa.
Ông Hàm Huỳnh Kỳ, một trong 10 đại địa chủ nổi tiếng nhất miền Tây Nam bộ thời thuộc địa. Lúc sinh thời, ông Hàm đã mua chức huyện, nên còn được gọi là huyện Hàm. Ông mất năm sáu mươi tuổi, chôn cách thị trấn Cầu Kè khoảng 4km bên quốc lộ 54 về phía Hựu Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long). Mộ nằm trên gò đất cao khỏi đầu người, được bao bọc bằng những tán xoài rậm rạp. Trong khuôn viên, cạnh nhà mồ có một hồ nước trong xanh.
Khu lăng mộ hoành tráng của ông do kiến trúc sư Trần Công Quan ở Sài Gòn thiết kế, nhóm thợ Sóc Trăng, Cần Thơ khởi công năm 1944, hoàn thành năm 1947. Công trình được xây dựng bằng xi măng Hải Phòng cùng gạch, ngói, gỗ. Hai bên đường dẫn vào nhà mồ là hai hàng trụ đèn lồng thẳng tắp như hàng lính chào.
Dulichgo
Nhà mồ gồm 5 tòa lục giác bao quanh một nhà lục giác ở giữa, tất cả đều cao khoảng 4 tầng lầu (12m) trên nền cao trên 1m. Tháp nào cũng có nóc nhọn như tháp, nhìn xa như lâu đài phương Tây nhưng nhìn gần thì rõ ràng giống như tháp của các ngôi chùa Việt. Mặt ngoài của các tòa tháp được trang trí cầu kỳ với rất nhiều phù điêu và tranh vẽ.
Điều đặc biệt là các tác phẩm này mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau, ví dụ như mô típ hoa lá phương Tây cổ điển; Hình tượng rồng và các linh vật trong văn hóa Việt - Hoa. Mỗi góc tường sát nóc các tòa tháp là một vị thần Cây-nor giang tay chống đỡ mái - nét kiến trúc đặc trưng của chùa Khmer. Ngoài ra còn có một số tranh vẽ các thắng cảnh của Campuchia.
Nhà lục giác ở giữa là nơi có mộ của ông Hàm, hai bên là mộ hai vị phu nhân. Mỗi góc tường sát nóc các tòa tháp là một vị thần đầu chim giang tay chống đỡ mái, theo nghệ thuật chùa Khmer. Những kèo, vì được chạm trổ công phu.
Dulichgo
Các tường bên trong nhà mồ ngoài các bức chân dung của ông Huỳnh Kỳ, và hai phu nhân, còn lại đều là những họa tiết tinh xảo, kể cả trần tiết. Nhìn toàn diện, mộ ông Hàm ngoài giá trị nghệ thuật giữa hai nền văn hóa Hoa – Khmer, hai tộc người ngụ cư lâu đời ở xứ này làm ăn, buôn bán với người Việt còn có phong cách Việt và phương Tây.
Ngày nay mộ ông Hàm sau nhiều chục năm dâu bể đã là chốn hoang tàn. Cỏ cây dại mọc lấn sát chân nhà mồ. Nhà mồ bị dân cư xung quanh lấy gỗ, gạch, sắt, trẻ con phá phách bôi xóa các họa tiết trên vách, sắp thành phế tích! Thiết nghĩ, nên cho sửa chữa cấp thời từng bước vừa biến nó thành một điểm dã ngoại những ngày cuối tuần cho người địa phương cũng như cho du khách sau này vừa bảo vệ một tác phẩm nghệ thuật có lẽ độc đáo nhất nước ta
Bên cạnh đó, còn có nhà ông Hàm ở tại trung tâm thị trấn, được xây cất năm 1924 cũng theo phong cách Việt, Hoa, Khmer và phương Tây. Nhà đang xuống cấp, nhưng bề ngoài vẫn giữ được vẻ tráng lệ của nó. Mong rằng ngôi nhà này sẽ được trùng tu để trở thành khách sạn hoặc điểm tham quan quý hiếm của Cầu Kè.
Theo Kiến Thức, Trà Vinh Ngày Mới
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét