(VTC News) - Bầy ong khoái đã làm cả trăm tổ lủng liểng trên tán cây khổng lồ ở bản Púng Ngừu hàng trăm năm qua.
< 'Cây tổ ong' khổng lồ trồi hẳn lên khỏi tán rừng.
Tận mục "cây ong" khổng lồ
Từ TP. Điện Biên Phủ, đi về phía tây, đến sát biên giới Việt - Lào, nơi cuối cùng của lòng chảo Mường Thanh, thì đến xã Thanh Chăn, thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Bản Phúng Ngừu nằm dưới chân dãy núi khổng lồ, rừng già xanh thẫm. Đi đến giữa bản, ngước mắt lên lưng núi, thì thấy một tán cây khổng lồ, cao vọt khỏi tán rừng. Dưới chân núi là những mái nhà sàn lúp xúp. Đứng từ khoảng cách vài trăm mét, cũng nhìn thấy những tổ ong khổng lồ, treo lủng lẳng, chi chít trên những cành cây.
Hỏi han người dân về "cây tổ ong" khổng lồ, ai cũng có thể kể những câu chuyện kỳ bí, nhưng nhờ họ dẫn đường, thì họ đều lắc đầu. Theo người dân bản Púng Ngừu, chỉ vào một ngày duy nhất, là lễ Xên Bản, người dân mới được tự do vào rừng, đến gốc cây để chiêm ngưỡng tổ ong. Những ngày thường, phải có thầy cúng, mổ gà, xin phép thần linh, mới dám bước chân vào. Sau khi không thuyết phục được ai dẫn lên cây tổ ong khổng lồ, thì tôi tự tìm đường mò vào chân núi.
Theo lối mòn trâu đi một lát thì đến. Không có đường rẽ vào phía gốc cây khổng lồ, mà dân bản gọi là cây mạy nỏng, bởi dây leo mọc vít lối. Sau lễ cúng Xên Bản diễn ra vào dịp cuối năm ngoái, thì không có ai vào đây nữa. Mấy đứa trẻ trâu 5-6 tuổi, có lẽ quá nhỏ để sợ thứ gì đó liên quan đến tâm linh, nên lò dò theo tôi.
< Tổ ong treo lủng lẳng trên cây, nhưng không ai dám lấy.
Đến gần gốc cây mạy nỏng, mới thực sự thấy thân cây khổng lồ, dễ đến 4-5 người ôm. Đường kính thân cây phải đến 2m. Ngửa mỏi cổ mới nhìn thấy ngọn cây và những tổ ong lủng liểng trên các cành. Thân cây cao đến 40m, thẳng đuột. Tôi trộm nghĩ, nếu kẻ nào muốn trộm tổ ong, thì việc trèo lên được ngọn cây mạy nỏng cũng không phải dễ dàng.
Dulichgo
Đứng dưới đất nhìn lên, những tổ ong khá nhỏ, thế nhưng, theo lời của anh Tòng Văn Quang, nhà ở dưới chân núi, chúng đều to bằng mặt cái bàn uống nước, bằng nửa cái chiếu chứ chẳng đùa. Có lẽ, vì thân cây quá cao, nên đứng dưới nhìn lên, thấy nhỏ lại.
Theo lời người dân bản Púng Ngừu, năm nào bầy ong khoái cũng làm khoảng 100 tổ trên cây mạy nỏng, nhưng tôi không tin lắm, vì nhìn từ xa chỉ thấy chừng vài chục tổ, nhưng lúc vào gốc cây, thì quả thực đã tin, bởi phía dưới gốc cây la liệt những tổ ong rơi xuống. Những tổ ong rơi từ độ cao vài chục mét, bị xé nát ra, nhưng những miếng vỡ của tổ ong vẫn còn to bằng cái mâm, thậm chí bằng mặt chiếc bàn loại nhỏ.
Theo anh Tòng Văn Quang, thì đợt mưa gió, lụt lội ở tây bắc, đã có mấy cơn giông lốc tràn qua, gió mạnh vặn xoắn cả thân cây, khiến tổ ong rơi lả tả. Có đến cả trăm mảnh tổ ong to bằng cái mâm, rải trên diện tích vài trăm mét vuông quanh gốc cây mạy nỏng khổng lồ. Ngay dưới gốc cây mạy nỏng, là ngôi miếu nhỏ, xây bằng gạch. Ngôi miếu lợp phi-bro-ximăng. Trong miếu chỉ có vỏ chai nhựa, chục chiếc chén nhỏ và bát hương lạnh lẽo.
< Đền thờ dưới gốc cây có cả trăm tổ ong.
Theo lời các cụ già ở bản Púng Ngừu, mấy chục đời trước, người Thái đi tìm đất dựng bản, nghĩ cây mạy nỏng có thần ngự, nên họ dừng chân. Họ cũng lập luôn ngôi miếu dưới gốc cây để thờ cúng thần linh - những vị thần bảo hộ cuộc sống đồng bào. Người Thái ở đây cũng tin rằng, khi người già chết đi, thì linh hồn của người già cũng vào chỗ gốc cây, chỗ ngôi miếu này trú ngụ, bàn bạc với thần linh cách thức giúp đỡ con cháu làm ăn, no ấm.
Trước đây, ngôi miếu dựng bằng gỗ, mái lợp cỏ gianh. Mỗi năm, phải thay mái gianh một lần. Đến ngày sửa miếu, mỗi gia đình cử một suất đinh, đi bộ cắt núi cả ngày sang địa phận nước Lào để lấy cỏ gianh về. Mặc dù mỗi người chỉ cầm một nắm cỏ gianh là đủ lợp cho ngôi miếu, hoặc chỉ cần vài người vác là đủ, nhưng làm việc gì liên quan đến ngôi miếu, cũng cả làng tham gia. Phụ nữ thì đảm nhiệm việc dọn cỏ, phát quang. Việc ít, những cả bản tham gia để thể hiện tinh thần đoàn kết, báo công với tổ tiên, các vị thần.
Lễ Xên Bản thường diễn ra vào ngày 20 và 30 tháng 12 âm lịch hàng năm. Buổi lễ Xên Bản, ngoài ý nghĩa tạ ơn thần linh, cũng là lúc cầu "thần ong" cũng như các vị thần, tổ tiên giúp bản làng có năm mới tốt lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ vật dâng lên các vị thần là một con trâu béo tốt. Con trâu được cột ở ngay gốc cây mạy nỏng. Rượu, thịt, xôi, gà được dâng lên miếu. Thầy cúng có uy tín trong vùng được dân bản mời đến chủ trì lễ cúng.
Lễ cúng kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ. Con trâu mộng bị giết tại chỗ để hiến tế. Các bộ phận của trâu gồm lòng, chân, đuôi, đùi, đầu được dâng lên miếu để cúng, còn thịt mang về bản chế biến. Món thịt trâu sống (nem thịt trâu), cũng được dâng lên thần linh.
< Tổ ong rụng la liệt dưới đất.
Qua tìm hiểu của tôi, xung quanh cây tổ ong này có rất nhiều chuyện ly kỳ, đồn đại. Người dân trong bản đồn rằng, "thần ong" sẽ "vật" bất cứ ai dám xâm phạm. Lời đồn ấy khiến ai cũng kinh hãi, không dám đến gần tổ ong, chứ đừng nói đến chuyện lấy mật. Có thể, những câu chuyện ấy được kể ra để dọa những kẻ có ý định ăn cắp.
Trước đây, có một thợ lấy mật ong, đến bản yêu cầu được khai thác mật ong trên cây mạy nỏng. Anh ta cam kết chỉ khai thác một phần, không làm đàn ong bỏ đi. Mỗi đợt khai thác, anh ta sẽ cúng tiến cho bản 1 con lợn tạ và số tiền 30 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi họp bản, thì các cụ già đều phản đối. Không có ai đồng ý cho khai thác tổ ong. Hầu hết người dân đều sợ "thần ong" quở phạt, nên nhất quyết không khai thác ong.
Dulichgo
Quả thật, nếu không khai thác mật ong, để tổ ong rơi xuống đất, mật vãi ra đất, rất phí phạm. Mỗi tổ ong cho cả chục lít mật, thậm chí tổ lớn cho đến 30-40 lít mật, mà không khai thác thì phí lắm, nhưng quy chế của bản là vậy rồi. Tổ ong mang ý nghĩa tâm linh, nên tiền bạc không đem ra đánh đổi được. Hai năm nay, sau khi họp bàn, thì có quy chế lượm nhộng ong và mật ong rơi xuống đất. Hễ nghe thấy tiếng rơi "bịnh, bịch" từ trên núi, thì một người uy tín trong bản sẽ được phân công vào lượm tổ ong rụng.
Trước khi lấy tổ ong rơi dưới đất, thì phải cúng bái, xin phép thần linh. Dù tổ ong to hay nhỏ, thì cũng sẽ chia đều cho cả bản. Có những lần, tổ ong bằng miệng thúng rơi xuống, mỗi nhà chỉ được chén mật, với vài con nhộng, nhưng cũng chia đều, để thể hiện tình đoạn kết, coi đó như lộc của thần linh.
"Cây tổ ong" linh thiêng
Ngay dưới chân núi, chắn đầu con đường mòn lên phía cây tổ ong khổng lồ ở bản Púng Ngừu (Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), là ngôi nhà sàn khá lớn. Dân bản chỉ tôi vào ngôi nhà này, tìm gặp ông Tòng Văn Tính, là người sinh ra và lớn lên ở dưới chân núi, chỉ cách cây tổ ong độ 300m.
< Anh Tòng Văn Quang chỉ cây tổ ong khổng lồ.
Ông Tính là người hiểu biết rõ nhất về cây tổ ong này, vì đời tổ tiên của ông sinh ra ở đây, rồi đến ông, đã lớn lên bên cạnh cây tổ ong này 75 năm rồi. Thế nhưng, tôi đến nhà, thì ông Tính đi vắng. Bà vợ ngồi bên khung cửa, nhẩn nha tõe ngô bằng đôi tay chai sần. Hỏi gì, bà cũng lắc đầu bảo không biết. Hóa ra, bà không nói được tiếng phổ thông.
Lát sau, con trai và con dâu bà về. Anh Tòng Văn Quang bảo rằng, bố anh, ông Tòng Văn Tính, vào rừng từ sáng sớm, đến đêm khuya mới về. Gia đình có đàn trâu, thả trong rừng sâu, thi thoảng bố con thay nhau vào rừng, đem muối cho trâu ăn, để chúng nhớ vị mặn, mà không đi xa. Đường xa, rừng sâu, ông Tính cơm nắm đi từ sáng sớm, đến nửa đêm mới về, hoặc phải ngủ lại lán trại trong rừng. Tuy nhiên, theo anh Tòng Văn Quang, bản thân anh đã có 40 năm gắn bó với quần thể tổ ong khoái khổng lồ trên "cây tổ ong", nên chẳng chuyện gì liên quan đến cái tổ ong ấy, mà anh không biết.
Từ đời tổ tiên, đời ông nội, đời bố anh, kể không biết bao nhiêu chuyện kỳ bí liên quan đến những tổ ong này. Tuổi thơ của anh, cũng như những đứa trẻ ở bản Púng Ngừu, đều được nghe những câu chuyện kinh dị, để cảnh báo những đứa trẻ nghịch ngợm, không được liều mạng chọc giận "thần ong".
Cũng theo lời anh Tòng Văn Quang, không ai biết, quần thể tổ ong, với cả triệu con ong, có mặt ở trên ngọn cái cây khổng lồ này từ khi nào. Người Thái ở đây gọi cây khổng lồ đó là mạy nỏng, còn tên phổ thông, hay tên khoa học nó là gì, thì anh cũng không biết. Các cụ xưa gọi tên thế, thì anh cũng chỉ biết vậy.
Mạy nỏng tương đối giống cây trám, nhưng to hơn, gỗ tốt hơn. Người Thái ở Púng Ngừu gọi trám là mạy cưởm, để phân biệt với mạy nỏng. Cây trám có nhiều, nhưng gỗ giòn, có giông bão, là đổ ngả nghiêng, bật gốc, gãy ngọn, thậm chí gãy ngang thân, nên dù trám có nhiều ở Púng Ngừu, thì cũng không có cây cổ thụ. Thế nhưng, gỗ mạy nỏng vừa dẻo, lại vừa cứng, nên giông bão quật mạnh thế nào cũng chẳng ăn thua gì.
< Cây tổ ong trên núi ông Nục.
Ông nội anh Quang qua đời đã 30 năm trước. Từ nhỏ, ông nội đã kể với anh rằng, cách nay trăm năm, cây mạy nỏng đã lớn như thế, to 5 người ôm. Bây giờ, cây mạy nỏng này vẫn như vậy, chẳng lớn lên chút nào. Cứ theo truyền thuyết của người Thái ở Púng Ngừu, thì cây mạy nỏng đã có tuổi cả ngàn năm (?!).
Dulichgo
Khi tổ tiên người Thái di cư, thần linh mách bảo, đi về hướng tây, gặp cây mạy nỏng khổng lồ, tán cao như đỉnh núi, thì dừng lại, vì đó là đất tốt, sinh cơ lập nghiệp ngàn đời. Có lẽ, cũng từ truyền thuyết lập bản, mà cây mạy nỏng biến thành cây thần, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Thái. Điều đặc biệt, cũng theo lời tổ tiên truyền lại, thì trên cây mạy nỏng ấy, những tổ ong khoái cũng đã có mặt từ đời nảo đời nào, không ai biết rõ. Các cụ già nhất bản, như cụ Tòng Văn Khọ, 100 tuổi, cũng kể với con cháu, dân bản rằng, đời tổ tiên cụ đã bảo có tổ ong rất nhiều trên ngọn cây, còn có từ khi nào, thì cụ kỵ của cụ Khọ cũng không biết.
Người Thái ở đây thì tin rằng, loài ong làm tổ trên cây mạy nỏng, là loài "ong thần" và cây mạy nỏng khổng lồ, cũng là cây thần, có từ thời lập bản. Theo lời anh Quang, ngoài ngày lễ Xên Bản vào dịp cuối năm, thì anh cũng như người dân trong bản không dám bén mảng đến gốc cây, bởi những câu chuyện "dọa ma" hãi hùng. Theo lời các cụ già ở Púng Ngừu, hồi thực dân Pháp xâm lược, xây dựng căn cứ ở Điện Biên Phủ, đã diễn ra một chuyện lạ lùng liên quan đến cây tổ ong này.
Ngày xưa, giặc Pháp đóng bốt ở phía tây cánh đồng Mường Thanh, cách địa phận xã Thanh Chăn không xa, để chặn đường Việt Minh xâm nhập từ hướng Lào về. Bộ đội trú ẩn rất đông ở trên đỉnh núi, thi thoảng xâm nhập vào cánh đồng Mường Thanh tiêu diệt các căn cứ của địch. Khi đó, quả núi có cây tổ ong gọi là núi Ông Nục, vì chỉ có ông Nục làm nhà ở trên quả núi đó, rồi sống cô đơn một mình, còn mọi người đều dựng nhà ở chân núi.
< Tổ ong rơi nhiều xuống đất.
Bộ đội và nhân dân ở đây thân tình, bao bọc nhau. Đồng bào Thái còn thay nhau đi lấy quả trám, kho thịt đem cho bộ đội ăn. Hàng trăm bộ đội trú ngụ ở quả núi này rất an toàn. Ngoài lý do rừng rú hoang rậm, được người dân che giấu, thì lính Pháp cũng sợ lời đồn… "thần ong" ngự ở trên quả núi ấy. Biết rằng những tổ ong trên cây mạy nỏng mang ý nghĩa tâm linh với dân bản, nên bộ đội không bao giờ xâm phạm.
Một tên đồn trưởng của Pháp, sau khi nghe chuyện vì cây tổ ong trên núi Ông Nục, mà toán lính không dám kéo lên núi tấn công bộ đội, đã tức giận, vác súng hô quân kéo vào núi. Nhận được tin báo, toán bộ đội vượt sang bên kia núi, thuộc địa phận Lào, để tránh va chạm với toán lính Pháp.
Để thị uy với đám lính, tay đồn trưởng này giương súng xả đạn lên ngọn cây, khiến tổ ong rơi lả tả. Thế nhưng, vừa bắn rơi mấy tổ ong, thì đàn ong hàng vạn con sà xuống tấn công, khiến bọn chúng chạy trối chết. Tuy ra được ngoài đồn, nhưng tên nào tên nấy mặt mũi sưng vù vì bị ong khoái đốt.
Bẽ mặt, tên đồn trưởng lại xua quân vào núi Ông Nục. Dân bản kéo đến phản đối, nhưng bọn chúng lăm lăm súng ống, lưỡi lê, nên không ai dám làm gì. Tên đồn trưởng xua người vác rơm rạ, chất củi đốt ở dưới gốc cây, để khói bay lên, đuổi hết ong đi. Chúng tính đuổi xong đàn ong, thì sẽ cưa đổ cây mạy nỏng, "cưa đổ" luôn niềm tin vào thần linh trong đời sống tâm linh của người Thái ở Púng Ngựu. Thế nhưng, theo lời kể của ông Lò Văn Sét, thì giặc Pháp châm lửa mãi, mà đống rơm không chịu cháy. Ngọn lửa cứ nhen lên, lại tắt luôn. Lát sau, giông gió nổi lên, mưa như trút nước, khiến củi rơm ướt đẫm, không đốt nổi nữa.
Dulichgo
Những chuyện như thế xảy ra, khiến toán linh Pháp càng khiếp hãi. Tức mình, tên đồn trưởng này sai lính ra đồn lấy xăng vào tưới, quyết đốt luôn cả cây mạy nỏng khổng lồ. Thế nhưng, tên lính vừa định chạy xuống núi đi lấy xăng, thì bị một cành củi khô từ trên cây rơi trúng đầu, ngã lăn bất tỉnh, máu me bê bết. Nhìn cảnh ấy, đám lính Pháp sợ hãi chạy tán loạn, không dám quay lại nữa. Tên đồn trưởng cũng sợ hãi, bỏ chạy luôn.
Sau vụ ấy, các cụ già ở bản Púng Ngừu kể rằng, những tên lính Pháp tham gia phá tổ ong cứ ngơ ngơ như những kẻ mất hồn, như bị bắt mất vía. Thời gian sau, toán lính ở đồn này bị bộ đội tập kích, tiêu diệt sạch sẽ trong ngày đầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chuyện những tên trộm mật ong, rồi những người liều mạng, không tin vào những lời đồn, tìm cách trèo lên cây mạy nỏng lấy ong, gặp vận rủi, thì có kể cả ngày không hết. Có kẻ, đang trèo cây, thì rơi xuống đất gãy xương, bất tỉnh nhân sự. Có kẻ dùng tên bắn rụng tổ ong, thì bị ong sà xuống đốt cho sưng mặt. Lại có chuyện hài rằng, có mấy tay trộm ở bản bên, đang tìm cách trèo lên ngọn cây lấy ong, thì bị rắn hổ mang to bằng bắp chân chui ra từ cái miếu nhỏ đuổi chạy tan tác…
Chẳng rõ thực hư những câu chuyện ấy như thế nào, nhưng cư dân bản Phúng Ngừu đều tin tuyệt đối. Chính vì thế, họ đưa chuyện bảo vệ tổ ong vào lệ làng, không bao giờ xâm phạm. Họ coi "cây tổ ong" là tài sản tâm linh chung của cả bản.
Anh Tòng Văn Quang: "Ong khoái thường kéo về cây mạy nỏng xây tổ từ cuối năm. Đầu năm, mùa xuân, cỏ cây đơm hoa kết trái, ong khoái đi lấy mật, xây tổ. Từ tháng 4 đến tháng 6, các tổ ong đều to cực đại, chứa đầy ắp mật. Tháng 7, tháng 8, chúng bắt đầu rời tổ, di cư đi nơi khác, bỏ lại tổ ong chỉ còn xác. Những xác tổ ong này sẽ rụng xuống đất và cuối năm chúng lại kéo về xây tổ. Mùa xuân, lúc sáng sớm, hay chiều tối, đàn ong bay rợp trời Púng Ngừu. Chúng di chuyển như những đám mây đen sì. Mỗi khi có con chim lao vào tổ ong, chúng dạt ra, cuồn cuộn như hình vẽ sống động trên bầu trời, rất đẹp mắt".
Theo Phong Nguyệt (VTC New)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét