(LĐO) - Về thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) những ngày giáp Tết Trung Thu sẽ cảm thấy không khí như nhộn nhịp hơn bởi những tiếng gõ, đục đẽo từ một số gia đình đang làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. Từ xa xưa, làng Thượng Cung đã nổi tiếng với nghề mộc truyền thống, đồng thời cũng là nơi giữ gìn được nghề làm khuôn bánh trung thu của người xưa để lại.
Làng nghề mộc truyền thống
Thượng Cung có truyền thống làm nghề mộc từ xa xưa, hỏi ra không biết chính xác là bao nhiêu năm. Nhưng trong tiềm thức của người dân nơi đây, nghề mộc đã trở thành một phần không thể thiếu, vừa là nghề, vừa là nghiệp. Trẻ con sinh ra đã được nuôi dưỡng niềm đam mê với những thanh gỗ, những hoa văn, những nét đẹp tỉ mẩn.
Nghề làm khuôn bánh trung thu ở Thượng Cung đã có từ xa xưa. Mấy năm trở lại đây, khuôn nhựa được sản xuất nhiều, làng nghề bớt nhộn nhịp hơn. Hiện tại, Thượng Cung chỉ còn 3 gia đình còn giữ nghề làm khuôn bánh, phần lớn họ khắc đẽo 12 con giáp, làm đồ gỗ.
Gia đình ông Trần Văn Bản là một trong những hộ còn giữ được truyền thống nghề. “Gia đình tôi là thợ lâu năm ở làng, khuôn bánh chúng tôi làm ra bán khắp các cơ sở sản xuất bánh trung thu của cả nước” - ông Bản cho biết.
Công phu người tạo hình cho bánh
Sau một thời gian những thứ bánh được làm theo dây chuyền lên ngôi thì hiện nay phần lớn người dân quay lại tin dùng sản phẩm có giá trị truyền thống. Vì vậy, vài năm gần đây nghề làm khuôn bánh dẻo, bánh nướng cũng có thể tồn tại và phát triển, trở thành một nghề truyền thống rất độc đáo ở Hà Nội.
Dulichgo
Việc làm khuôn bánh tốn nhiều thời gian và các công đoạn đều đòi hỏi sự khéo tay. Công đoạn đầu tiên người thợ phải cưa cắt gỗ theo hình dáng khuôn bánh. Gỗ được dùng để làm khuôn là gỗ thị hoặc xà cừ. Lý do chọn 2 loại gỗ này là vì bền, dễ đục đẽo và ít mối mọt, giá thành gỗ cũng hợp lý. Sau khi chọn gỗ và cưa thành từng phần, công đoạn tiếp theo dùng các đục chuyên dụng để tạo hoa văn trên khuôn. Phần cán cầm phải dùng máy tiện tròn để người thợ làm bánh có thể cầm chắc tay.
Nói thì đơn giản vậy, nhưng khuôn đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng người thợ, vì chỉ cần đục hơi sâu hay nông đi một chút là tạo hình hoa văn đã khác đi nhiều. Những khuôn bánh hình con thú như hình cá, heo, rồng… chỉ cần thiếu chút tinh tế là chiếc bánh thành phẩm sẽ thiếu sức sống và nhìn không bắt mắt.
“Để làm được nghề này cần có sự yêu thích, đam mê. Nó đòi hỏi rất tỉ mỉ, từ việc cắt khuôn hình sao cho vừa vặn với khối lượng bánh, đến việc đục đẽo tạo hoa văn” - Trần Thùy Trang (20 tuổi, con gái ông Bản) chia sẻ. Trang học làm khuôn bánh từ khi còn học lớp 4, lớp 5. Gia đình ông Bản, có tất cả 5 người, đều theo làm và duy trì nghề truyền thống này.
Dulichgo
Nghề làm đồ gỗ nói chung và làm khuôn bánh nói riêng cũng mang lại thu nhập khá cao. “Vài năm trở lại đây người đặt khung ít hơn, nhưng mỗi dịp Trung thu, gia đình tôi thu nhập cũng được vài chục triệu đồng, đòi hỏi nhiều công, sự khéo tay, tỉ mẩn nhưng năng suất hơn trồng lúa” - bà Tâm - vợ ông Bản - cho biết.
Việc đục đẽo khuôn bánh cũng tạo việc làm cho nhiều người trong làng. Ông Bản thuê vài thợ mang khung gỗ về đục đẽo tạo hình. Mỗi chiếc công thợ được 50.000 đồng, mỗi ngày trung bình làm được 4 cái được 200.000 đồng, không mấy vất vả mà không phải vất vả nắng mưa.
Khuôn bánh chủ yếu làm theo đơn đặt hàng ở khắp mọi nơi, gia đình ông Bản cũng cấp một phần cho cơ sở bán khuôn trên phố Hàng Quạt. Năm nay, ngoài những khuôn hình, hoa văn truyền thống, còn có thêm biểu tượng Hoàng Sa, Trường Sa ý nghĩa.
Theo Phan Thị Xâm (Báo Lao Động)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét