(TTO) - Nếu muốn thưởng thức đặc sản mì Chũ chính hiệu, bạn hãy tìm đến xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
Đi dọc quốc lộ 31, cách thành phố Bắc Giang 40km về phía đông, bạn sẽ đến thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn và được người dân nơi đây giới thiệu đến làng nghề mì gạo Nam Dương, còn gọi là mì Chũ ngon nức tiếng gần xa.
Thôn Thủ Dương chỉ cách thị trấn Chũ (huyện lỵ Lục Ngạn) một cây cầu bắc qua sông Chũ. Cũng như nhiều địa phương khác ở Lục Ngạn, Thủ Dương trồng khá nhiều vải thiều nhưng thu nhập chính của người dân trong thôn lại từ nghề làm mì gạo.
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này là màu trắng của những giàn bánh tráng phơi dựa vào các tường xây bao quanh nhà ở, vườn cây của các gia đình.
Tìm đến các hộ sản xuất trong làng nghề mì Chũ thôn Thủ Dương, bạn sẽ được tận mắt tìm hiểu công đoạn sản xuất mì Chũ nổi tiếng. Quy trình sản xuất được làm tỉ mỉ và cẩn thận, đòi hỏi kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm của người dân làng nghề. Để tạo ra những sợi mì vừa dai, vừa ngọt bùi, người làng Thủ Dương phải qua rất nhiều công đoạn hết sức công phu.
Dulichgo
Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Loại gạo được dùng là gạo bao thai Hồng. Giống lúa tạo ra loại gạo này được trồng trên vùng đất đồi Chũ. Đặc trưng của loại gạo này là tạo ra được những sợi mì có độ dẻo dai, độ trắng và hương thơm đặc trưng. Những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, đem ngâm 6 - 8 tiếng, sau đó xay ra thành bột cho thật dẻo và sánh, lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm.
Từ tờ mờ sáng, người làm bánh đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Bánh tráng chỉ được phơi khi trời nắng, nếu thời tiết không thuận lợi người làm nghề sẽ dừng việc sản xuất, nếu không bánh đưa vào lò sấy không đảm bảo chất lượng. Khi bánh khô sẽ đem trần mỡ (mỡ lợn đã rán) rồi ủ, gấp bánh để sáng hôm sau thái bánh thành sợi và lại tiếp tục đem phơi khô, bó thành từng bó mì và đóng gói thành phẩm.
Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người làm, mỗi người thạo một khâu riêng. Người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn…
Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt trông đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải là người làm mì nào cũng thực hiện được. Thường phụ nữ đảm nhận khâu này để sao cho bó mì chắc, đẹp và đều nhất.
Dulichgo
Tổng cộng từ các nguyên liệu, người thợ phải thực hiện rất nhiều quy trình trong hơn 36 giờ mới cho ra đời những sợi mì đặc sản dẻo, dai và mỏng manh.
Hiện làng nghề mì Chũ thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn có trên 300 hộ sản xuất mì gạo, chiếm tới 85% số hộ của làng. Trong đó có hơn 100 hộ tham gia Hội sản xuất và tiêu thụ mì Chũ Lục Ngạn. Bình quân mỗi ngày làng nghề sản xuất và tiêu thụ gần 30 tấn mì gạo, trong đó Hội sản xuất mì Chũ sản xuất và tiêu thụ 10 tấn, giá trị thu được của làng nghề gần 8 tỉ đồng mỗi năm.
Được sản xuất bằng phương pháp gia truyền nên dù không sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, hàng the… nhưng mì Chũ vẫn có độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon. Đây là lý do khiến mì gạo Chũ tại Thủ Dương được ưa thích so với các loại mì gạo khác.
Mì Chũ là món ẩm thực bình dân, có thể chế biến thành nhiều món như lẩu, mì xào hay phở...
Ai từng được thưởng thức mì Chũ một lần chắc hẳn sẽ không quên màu trắng sữa, vị ngọt của gạo bao thai, giống lúa chất lượng cao nhất được trồng trên các chân ruộng cao ở vùng đất đồi, chịu được gió bão, sương sa. Đó chính là sự hòa quyện giữa gạo quê và nguồn nước trong lành của vùng núi đồi sông Lục, cùng với đôi bàn tay nghệ nhân làng nghề để làm nên đặc sản của một miền quê.
Dulichgo
Đặc điểm nổi trội nhất của mì Chũ là nếu chưa kịp ăn ngay khi để nguội vẫn không bị nát mà vẫn giữ được hương vị riêng. Bởi vậy, đặc sản mì Chũ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, nức tiếng gần xa và dần khẳng định mình so với các loại mì khác.
Nếu có dịp đến với vùng đất Bắc Giang bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn đặc biệt này và cũng không quên mua làm quà cho người thân, bạn bè để cùng thưởng thức đặc sản của vùng đất Lục Ngạn.
Theo Huyền Trân (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét