Đình làng Trung Nghĩa - Đà Nẵng

Đình làng Trung Nghĩa tọa lạc tại khu dân cư Trung Nghĩa, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu. Đình nằm trên khu đất cao của làng theo hướng Đông Nam, mặt trước đình nhìn ra là cánh đồng lúa. Đường đi vào đình có cây đa trăm tuổi rủ bóng mát tạo nên cho đình dáng vẻ cổ kính và linh thiêng và cũng mang đậm dấu ấn đặc trưng cho đình làng Việt Nam.

Đình làng Trung Nghĩa được xây dựng theo kiểu kiến trúc đình làng thế kỷ XIX và cũng giống như các ngôi đình khác trên địa bàn Đà Nẵng, đình làng Trung Nghĩa có bố cục không gian bên ngoài gồm bình phong, đến sân đình rồi đại đình, ngoài ra ở phía sau đình còn có mộ của thành hoàng bổn sứ, tiền hiền, hậu hiền và miếu âm linh thờ bà chúa thiên Y – A- Na. Bên cạnh đó còn có cổng và tam quan đình nhưng là mới được trùng tu xây dựng.

Từ cổng đình đến bình phong chúng ta phải đi qua tam quan đình . Bình phong  được xây bằng gạch sơn vàng  với hai trụ biểu hai bên cao 2m6, rộng 3m1 trên có gắn hình búp hoa sen cách điệu. Mặt trước bình phong đắp hình con  Hổ để  bảo vệ đình, mặt sau hình con Lân thể hiện sự linh thiêng cho ngôi đình. Cả hai hình đều được các nghệ nhân xưa thực hiện bằng nghệ thuật đắp nổi lắp ghép những mảnh sành sứ.

Qua khoảng sân rộng là đến đình. Đình Trung Nghĩa được  xây dựng với bố cục mặt bằng hình chữ nhật theo dạng ba gian bốn mái, lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch, cát, sạn, xi măng, tường dày 0.2m. Đình có chiều rộng 10m2, chiều dài 7m2.
Dulichgo
Kết cấu kiến trúc nghề thuật bên ngoài, mặt tiền ngôi  đình phía tả với nghệ thuật đắp nổi bằng sành sứ hình con Thanh Long, phía hữu có Bạch Hổ( còn được gọi là  Long Hổ Hội). Bộ cửa trước đây của ngôi đình được làm bằng gỗ mít theo dạng của bàng khoa nhưng do thiên tai và chiến tranh đã bị hư hại và sau này được thay bằng bộ của sắt sáu cánh màu vàng. Mái đình Trung Nghĩa  khi mới xây dựng lợp theo kiểu “ tầu đao lá mái”, lợp ngói âm dương.

Hiện tại  mái lợp bằng ngói mới  theo kiểu “tàu hộp” với trang trí trên nóc đình được ghép đắp nổi sành sứ hình “ lưỡng long chầu nguyệt”, bốn đầu mái là bốn con lân. Đình Trung Nghĩa được làm theo lối kiến trúc khung nhà gỗ. Ngôi đình được xây dựng trên cơ sở các vì liên kết với nhau bằng kẻ suốt. Sức nặng của toàn bộ ngôi đình rơi trên các chân tảng, tường nhà không phải là cơ sở chịu lực mà chỉ có tác dụng ngăn che nắng mưa. Các thành phần kiến trúc được liên kết lại với nhau nhờ một hệ thống mộng phức tạp, không dùng đinh, keo hay lạt buộc.

Với kết cấu theo dạng “liên kết kẻ suốt”. Cột, xuyên, trính đều được làm bằng gỗ mít… gồm bốn cột cái cao 3m32, đường kính 20cm, 12 cột quân cao 2m65, đường kính 0,19cm, 12 cột hiên cao 2m2, đường kính 0,18cm. Trên các đầu kèo chạm trổ đầu rồng, đuôi có hình hoa lá. Trên xà gồ còn ghi lại hàng chữ “ Thành Thái thập nhị niên”, tuế thứ Canh Tý cửu ngoạt Bính Tuất, Nhâm Thân, nhật bổn xã cấu đình, Thìn khắc thượng lương kiết nhật”. Dịch nghĩa: “ Ngày Nhâm Thân, tháng chín là tháng Bính Tuất, năm Canh Tý là năm Thành Thái thứ 12, bản xã dựng đình và gác đòn đông (thượng lương) đúng giờ tốt”.
Dulichgo
Cũng như các đình quê ngoài Bắc, đình Trung Nghĩa cũng là công trình kiến trúc cổ Việt Nam được hưởng một nền điêu khắc trang trí độc đáo. Tuy đình Trung Nghĩa được xây dựng từ thế kỉ XIX nhưng không vì thế mà điêu khắc trang trí của ngôi đình nghèo nàn. Trên các cột rường ta vẫn thấy khắc các hình rồng, phượng rất tinh tế uốn lượn. Trang trí trong một gian chính và hai gian phụ của đình gồm bàn thờ chính thờ thành hoàng bổn xứ, hai bàn thờ nhỏ hai bên thờ tiền hiền và hậu hiền.

Bàn thờ chính ở  gian giữa cao 1m, rộng 1m05, được xây bằng gạch, xi măng, trên bàn thờ đặt một bài vị bằng gỗ có ghi bằng chữ Hán “ Khai thánh đế quân đại đế”, xung quanh bàn thờ trang trí bông hoa cúc và hai con hạc hai bên, giữa có viết một chữ Hán “ Thần”, trên vẽ hình lưỡng long trân châu hai bên có hai câu đối. 

Đặc biệt trong đình Trung Nghĩa còn lưu giữ được 16 sắc phong còn nguyên dạng, có niên hiệu các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh,  Duy Tân, Khải Định.

Hàng năm tại Đình thường diễn ra lễ hôi mang đậm nếp sống văn hóa, là bộ phận gắn liền với nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam, nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn  những người  khai khẩn mở rộng đất đai. Đó là gốc rễ sâu sắc bền vững từ ngàn xưa của dân tộc ta. Ngày nay dù ở nơi đâu, họ tộc nào nhưng đã là con dân Trung Nghĩa thì luôn luôn nhớ đến ngày mồng 10 tháng 3. Bởi đó chính là ngày lễ hội - ngày các con cháu trở về giỗ tổ vị thành hoàng đã khai hoang lập ấp ra làng Trung Nghĩa ngày nay.

Lễ hội đình làng Trung Nghĩa thường được tổ chức vào ba ngày là mồng 8, mồng 9 và mồng 10 tháng 3  âm lịch hàng năm tại khuôn viên của đình để dân làng vui chơi giải trí và cúng tế những bậc tiền nhân có công khai hoang mở đất xây dựng nên làng. Đây cũng là thời điểm để những người con ly hương trở về quê cha đất tổ tưởng nhớ cội nguồn. Chính hội thường diễn ra vào ngày 10 tháng 3 và cũng giống như các lễ hội đình làng khác, lễ hội đình làng Trung Nghĩa cũng bao gồm phần lễ và phần hội.
Dulichgo
Phần lễ  thường được diễn ra vào sáng mồng 10 với các nghi thức thờ cúng  mang màu sắc tâm linh, các lễ vật và  quy trình tế lễ gắn liền với đặc thù của của đối tượng thờ cúng. Chư lễ ở đây mang hai nghĩa cơ bản là tế lễ và lễ giáo( lề thói ứng xử theo truyền thống, theo các quy phạm đạo đức đã được cộng đồng thừa nhận dựa trên lời dạy của thánh nhân). Tế lễ là những bài tế nữ quan và nam quan còn lễ giáo là đọc lại những lời răn dạy của các bậc thánh nhân cho con cháu nghe. Nội dung của lễ nhằm tưởng nhớ tôn vinh những vị tiền hiền có công khai phá mở mang ruộng đất cho  làng và cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu sự giúp đỡ, che chở, bảo trợ về mặt thần quyền cho sự thịnh vượng, yên bình của nhân dân trong làng.

Phần hội là phần mang tính sinh hoạt giải trí, làm sống lại các truyền thống sinh hoạt vui chơi đã từng ăn sâu bám rễ vào lối sống của người dân. Hội làng Trung Nghĩa  với các trò chơi dân gian nhu kéo co, đấu vật, chọi gà hay các tiết mục văn nghệ như hát bài chòi, hát  đối đáp…Bên cạnh đó là một số trò chơi thể thao do chức sắc trong đình đứng ra tổ chức đã thu hút đông đảo người dân đến vui chơi thi đấu và giải trí. Đó không chỉ là con dân trong làng mà cả những dân làng khác và khách thập phương nơi xa đến thắp hương cúng bái và vui chơi. Phần hội thường mang tính cộng đồng và hiếu khách.

Ngoài lễ hội chính diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm thì tại  đây còn diễn ra các hình thức sinh hoạt dân gian khác như: Lễ vía bà Thiên Y- A- Na vào ngày 25/01 âm lịch. Lễ cúng “Thần Nông” cầu cho mưa thuận gió hòa bốn mùa tốt tươi diễn ra vào ngày 15.7 âm lịch.
Đình Trung Nghĩa đã được xếp hạng di tích Lịch sử-Văn hoá  cấp thành phố  ngày 23/12/2005.

Theo Cổng TTTP Đà Nẵng
Du lịch, GO!
Share on Google Plus

About Unknown

Bạn thích du lịch, ham "phượt" hay "Bụi một chuyến"? hãy cùng Du lịch phượt khám phát những nơi cần đến của bạn và dành cho bạn với hành trình chinh phục mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét