Xuôi theo dòng sông Hậu, trong ánh bình minh chợ nổi Cái Răng hiện ra với âm thanh và sắc màu của các ghe xuồng ngược xuôi tấp nập, đầy ắp sản vật, rập rờn làm xao động cả một góc trời…
< Ghe thuyền đậu ngay hàng thẳng lối trên sông.
Không ai biết chợ nổi Cái Răng đã hình thành từ bao giờ, có lẽ là từ những chiếc ghe thương hồ ngược xuôi theo các con kinh rạch của các cồn, cù lao mang theo sản vật miệt vườn rồi lần ra dòng sông Hậu, neo đậu gần nhau để phì phà điếu thuốc xin mồi lửa, hay những đêm trái gió trở trời, họ sẻ chia cho nhau nắm gạo, trái mướp, cọng hành cho qua bữa…
Theo con xuồng nhỏ, dập dìu đi chợ trên sông, du khách phải đi từ sáng tinh mơ mới ngắm được xóm chợ sung túc như thế nào. Các nông sản miệt vườn đầy màu sắc và lạ lùng khiến người phương xa không cưỡng lại nổi vẻ đẹp bình dị của tạo hóa.
< Chợ nổi Cái Răng bắt đầu từ lúc trời còn mờ sương.
Khi cây bẹo trên các mui ghe được cắm lên với nhiều món hàng được bày bán, đó cũng là lúc cho một ngày thương thuyền bận rộn bắt đầu. Hàng trăm chiếc ghe lớn, nhỏ đậu sát vào nhau thành một dãy dài, người bán, người mua tấp nập, bồng bềnh trên sông nước.
Dulichgo
Một buổi sáng tinh mơ bắt đầu bằng các tiếng rao, tiếng hò của các chị, các cô trên những chiếc xuống ba lá xinh xắn. Mùi thơm của hủ tiếu, bánh canh, cà phê… còn lan tỏa xa hơn cả tiếng rao hàng.
Cũng chính từ chợ nổi này, những chiếc ghe thương hồ từ các tỉnh thành xa xôi đổ hàng về đây, rồi nhận hàng như một kiểu chợ sỉ, rồi sau đó theo con nước, nó lại luồn lách qua trăm ngàn con sông rạch cho những chuyến ghe buôn xa.
< Cây bẹo trên mui ghe treo những mặt hàng mà ghe này đang bán.
Từ xa xưa, chợ nổi Cái Răng cũng như bao chợ nổi miền Tây khác đều buôn bán tất cả các mặt hàng từ nhu yếu phẩm cho đến thực phẩm, từ cây kim sợi chỉ cho đến các loại nông sản, vải vóc, phân bón…
Bây giờ, cách buôn bán ấy chỉ còn ở những ghe hàng lưu động đến tận nhà người dân ven sông, còn chợ nổi chỉ tập trung buôn bán sỉ các loại hàng hóa nông sản tươi sống của xứ sở miệt vườn sông nước để rồi theo các đò, ghe về miệt Vĩnh Long, An Giang, Cà Mau…
Với người phương xa, đi chợ trên sông là không chỉ để xem, để ngắm mà còn để cảm nhận một không gian sông nước miền quê và trên hết đó là cái nguyên khí một miền quê lạ, rất đỗi bình yên.
< Ghe xuồng san sát lúc chợ đông.
Cầm lòng được sao với đủ loại màu sắc trên các ghe này mang lại, từ cái màu đỏ thanh nhã của trái đu đủ chín cây, màu tim tím của củ dền, măng cụt, màu vàng ươm của sầu riêng, của xoài, màu biêng biếc từ chiếc áo bà ba của các cô thiếu nữ bán hàng.
Có đi dạo giữa chợ nổi một phen, ta mới có một cảm giác như bước vào những khu vườn đầy ắp cây trái miền Cửu Long, như nhìn thấy những rặng dừa nước, những khóm rau ven sông.
Dulichgo
Đối với người dân thương hồ, chiếc ghe của họ ngang hai mét, dài năm bảy mét là một mái nhà. Tuy có nhỏ bé, chật hẹp nhưng khi khách đến, người bán hàng luôn cởi mở và tươi cười.
< Những chiếc thuyền chở nặng sản vật địa phương.
Cái sầm uất, cái rộn ràng của chợ nổi chỉ kéo dài đến khoảng giữa trưa đứng bóng. Sau đó, dòng sông trôi lững lờ với màu tim tím của cánh lục bình cho người ta cảm nhận cái man mác buồn của buổi chiều tà sắp đến.
Chính những buổi lam chiều như thế, sinh hoạt gia đình hiện lên đầy màu sắc với những thanh âm trong trẻo như tiếng xới cơm của mẹ, tiếng phì phà điếu thuốc của cha…. tiếng ê a đánh vần của những đứa trẻ. Cuộc sống thương hồ là vậy đó!
Chợ nổi Cái Răng tuy đơn giản, không màu sắc như chợ nổi Damnoen Saduak Thái Lan nhưng cảnh trên bến dưới thuyền nay vẫn còn như một bức tranh bình dị, mô tả được cuộc sống ở một góc trời của người dân phương Nam…
Theo Phương Thảo
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét