(NLĐ) - Chỉ mỗi cây chuối mà các dì, các chị ở Tòa Thánh Tây Ninh chế biến được mấy món, nào là nấu canh chua, bóp gỏi, xào với nghệ, ăn sống với tương hột,...
< Cơm Trai đường miễn phí luôn chào đón tất cả mọi người.
Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến Tết Trung thu là khắp các ngả đường, những chiếc xe khách đủ cỡ với đủ biển số các tỉnh nối đuôi nhau đổ về Tòa Thánh Tây Ninh (huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) để dự đại lễ vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu – một trong hai lễ lớn của đạo Cao Đài.
< Rau quả hầu hết do tín đồ của đạo cung cấp.
Nhớ hồi còn nhỏ, cái cảnh người – xe nườm nượp từ khắp nơi đổ về khiến Tây Ninh vốn bình yên bỗng rộn ràng hẳn lên làm người bản xứ như tôi cũng nôn nao. Dịp này, trong đạo tổ chức triển lãm các loại hoa quả, bánh trái và múa lân, múa rồng nên nếu không đi học thì coi như bọn tôi lê la ở đó cả ngày.
Do khách thập phương đổ về dự lễ đông nên trong đạo tổ chức luôn chuyện ăn uống cho mọi người. Bất kể giờ nào, chỉ cần đến Trai đường là có cơm chay lót dạ miễn phí. Tụi tôi dù không phải khách thập phương nhưng dạo chơi đói cái bụng lại vào đây chực cơm.
Thực phẩm ở đây do người địa phương cung cấp, chế biến là do các dì, các chị, nói chung ai có gì góp nấy. Người Tây Ninh vốn sùng đạo và thích làm công quả nên Trai đường không bao giờ thiếu thực phẩm.
Dulichgo
< Các món kho chay.
Đừng nghĩ cơm chay thì đơn điệu, qua bàn tay vén khéo của các dì, các chị những thứ rau củ thường ngày bỗng thành bao nhiêu món ngon. Riêng chuối cây (được mang về từ núi Bà Đen) là có thể làm gỏi, nấu canh chua, xào với nghệ hay chấm sống với tương hột.
< Cà tím chiên.
Thực đơn những bữa cơm ở Trai đường hầu như không trùng nhau. Món mặn chủ đạo thường là muối sả và mắm sắc còn canh, rau, món xào thì thay đổi liên tục. Cũng bầu cũng bí, cũng rau muống, bắp chuối nhưng mỗi bữa cơm mỗi cách chế biến khác nhau.
< Kèo nèo bóp gỏi rau tiêu.
Còn nhớ hồi còn nhỏ, cứ tới bữa chực cơm trai đường. Không phải xin xỏ gì, cứ việc đến khu vực để chén đũa lấy một bộ rồi coi bàn nào trống thì ngồi. Tụi tôi thường phân công đứa lấy chén, đứa giành chỗ (không phải sợ thiếu đồ ăn mà giành chỗ ngồi gần nhau cho vui). Nghĩ cũng lạ, chỉ ăn canh chua rau muống, muối sả, rau sống chấm tương thôi mà ngon thấu trời.
< Rau ghém.
Dulichgo
Nhiều khi thấy toàn con nít lóc chóc, các cô các bác chạy bàn ưu ái cho thêm vài trái chuối, trái quýt tráng miệng. Sướng nhất đời rồi còn gì.
< Mắm sắc.
Lớn lên, đi học rồi đi làm xa nên đón những cái tết Trung thu ở quê nhà cứ thưa dần. Dù vậy, hễ có dịp về quê đúng rằm tháng Tám, tôi lại tranh thủ ghé Trai đường “ăn chực”. Dĩ nhiên lớn rồi có ý thức hơn, trước khi ăn cũng dành thời gian xuống bếp phụ xắt, gọt rau củ; ăn xong lại phụ rửa chén mới về.
Qua bao nhiêu năm, Trai đường vẫn rộn ràng tấp nập như ngày nào và đồ ăn ở đây thì phải nói ngon hơn, phong phú hơn gấp bội. Bây giờ đời sống khá giả, người ta hiến nhiều thức ăn hơn xưa nên cung luôn vượt cầu. Trên bàn ăn Trai đường bây giờ không chỉ 3-4 món như xưa mà có khi lên cả chục món.
Trai đường bây giờ cũng hiện đại hơn xưa, nước nôi đầy đủ, bàn ghế khang trang, cơm nấu bằng lò hấp, người phụ việc ai cũng phải đeo bao tay để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dulichgo
Lẽ thường cái gì miễn phí thì hay gặp phải cảnh chen lấy hoặc chất lượng kém nhưng cơm Trai đường ở Tòa Thánh Tây Ninh thì ngược lại. Ở đây đông thì có đông nhưng không bao giờ có cảnh bon chen, thức ăn chỉ là món chay nhưng ai ăn một lần cũng phải bất ngờ vì sao mà ngon quá đỗi.
Vì vậy, Tết Trung, có đi Tây Ninh đừng quên ghé Tòa Thánh Tây Ninh dùng một bữa cơm chay với người dân xứ đạo Cao Đài. Bảo đảm bạn sẽ không chỉ ghé 1 lần mà thôi!
Theo Ngọc Diêu (Phụ Nữ NLĐ)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét