Phú Yên là một trong những vùng đất tuyệt đẹp thuộc miền duyên hải Nam Trung Bộ. Hành trình một ngày khám phá nơi đây đã cho chúng tôi rất nhiều trải nghiệm.
< Bình minh Gành Đá Đĩa.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình của CLB Nhiếp ảnh và Du lịch là Gành Đá Đĩa - một trong những địa danh nổi tiếng bậc nhất Phú Yên. Với cấu tạo địa chất đặc biệt, nơi đây là một quần thể những lăng trụ đá đen tuyền nối tiếp, liền kề và xếp chồng lên nhau... tạo thành bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, độc đáo.
Đúng với tên gọi, Gành Đá Đĩa trông từ xa như những chồng đĩa khổng lồ, lặng yên nằm đó để biển lớn vỗ về. Rạng sáng, những mảng trời xa xa bắt đầu chuyển màu. Từ từ nhô lên từ phía đông, mặt trời tỏa ánh vàng kim lấp lánh cả một vùng trời cao biển rộng, phả cái hơi ấm vào làn gió nhẹ như một lời chào đón chúng tôi - những vị khách say mê nhiếp ảnh đến từ phương xa.
Dulichgo
Sau khi ngắm cảnh bình minh đẹp đến say lòng ở Gành Đá Đĩa, chúng tôi đi bộ đến Gành Đèn cách đó khoảng hơn 500 m. Con đường dẫn đến Gành Đèn hiện ra ngoằn ngèo với nhiều đá và ngã rẽ, tạo thành những góc máy đẹp cho các nhiếp ảnh gia. Từ Gành Đèn, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng biển vịnh Xuân Đài với nhiều gành, đảo lô nhô.
Trên đường về trung tâm TP Tuy Hòa, chúng tôi tham quan nhà thờ Mằng Lăng. Đây được xem là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam. Hơn một thế kỷ, thời gian nhuộm màu trên mỗi mảng tường, đậm nét rêu phong và cổ kính. Với lối kiến trúc theo phong cách Pháp, nội thất được trang trí với nhiều ô kính màu và họa tiết cửa rất đặc trưng, tạo nên những vùng ánh sáng đẹp mắt.
Đặc biệt hơn, nhà thờ Mằng Lăng còn nổi tiếng là nơi lưu giữ cuốn sách đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ - Phép giảng tám ngày (in vào năm 1651 tại Italy) của Linh mục Đắc Lộ.
Sau khi thăm nhà thờ, cả đoàn tiến thẳng đến Bãi Xép - một trong những bãi tắm còn hoang sơ ít ai biết đến. Du khách có thể đi xe điện lên đồi cao và ngắm nhìn toàn cảnh Bãi Xép. Đây là một ngọn đồi xanh trải dài và rộng với nhiều bụi xương rồng mọc khắp nơi, một bên là vách đá, một bên là biển trời mênh mông.
Dulichgo
Giữa thảm thực vật xanh mát, Bãi Xép nổi bật với dải cát vàng ươm, óng mịn, hai đầu được che chắn bởi các bãi đá đen và ngọn đồi thấp.
Cảnh vật nơi đây dường như mang lại cho chúng tôi một cảm giác yên bình đến lạ. Đứng ở Bãi Xép, từ góc nhìn qua ống kính máy ảnh, chúng tôi có thể ngắm khung cảnh tuyệt đẹp của vịnh biển Quy Nhơn với nhiều hòn, đảo nhỏ ở xa xa, và gần hơn là những tàu thuyền đánh cá như đang trôi giữa biển trời xanh thẳm.
Chân trần đi trên cát để cảm nhận cái nóng, cái rát và sau đó là một cảm giác vô cùng sảng khoái khi được thả mình vào dòng nước biển mát lạnh. Với cái không khí tĩnh lặng nơi đây, bạn sẽ được dịp thưởng thức trọn vẹn bản tình ca rì rào bất tận của gió và sóng.
Khoảng 15h, chúng tôi khởi hành đến một địa điểm mới: Hòn Yến - Hòn Sụn. Từ xa, Hòn Yến và Hòn Sụn sừng sững đứng cạnh nhau như đôi bạn tri kỷ ngàn năm, cùng chịu bao nắng gió và cả những cơn thịnh nộ của biển.
Dưới ánh nắng xế chiều, như một màn trình diễn ảo thuật tài tình của thiên nhiên, nước biển ở khu vực này lan tỏa ra ba màu: xanh lục, xanh lam nhạt và xanh biển đậm. Chúng tôi tới vào đúng ngày rằm, nước rút mạnh làm nổi lên một kho báu được chôn giấu dưới đáy biển: những rạn san hô rực rỡ cùng nhiều sinh vật biển muôn màu.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc ấy, chúng tôi lại càng mong muốn và hi vọng rằng mọi người hãy luôn chung tay bảo vệ, và cố gắng lưu giữ những đặc tính tự nhiên và nét hoang sơ để nơi đây mãi đẹp.
Dulichgo
Điểm cuối cùng của cuộc hành trình là Tháp Nhạn, tọa lạc trên núi Nhạn cạnh con sông Đà*. Tháp Nhạn là công trình lịch sử mang giá trị cao, được người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XII. Dưới bầu trời đêm, ánh đèn soi bóng lên nền kiến trúc cổ càng làm cho Tháp Nhạn thêm phần cổ kính và huyền bí.
Càng đi đến nhiều nơi, chúng tôi lại càng tự hào và thêm yêu quê hương đất nước - nơi có biết bao cảnh đẹp “rừng vàng biển bạc” đang chờ đợi được khám phá.
* Đúng hơn thì tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn ven sông Chùa. Đây là một nhánh của sông Đà Rằng đổ ra biển với cửa biển cùng tên.
Theo Quốc Bảo (New Zing)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét