3 ngày khám phá Cổ Thạch dịp 2/9

(Zing) - Cổ Thạch thuộc huyện Tuy Phong (Bình Thuận), cách Phan Thiết khoảng 100 km, cách TP HCM khoảng 300 km.

Nơi đây được thiên nhiên ban tặng những bãi đá lạ, những di tích văn hóa cổ hơn 100 năm, hải sản tươi ngon mà không đắt.

So với những điểm du lịch biển nổi danh như Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu…, Cổ Thạch (thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) là một trong những địa danh còn khá hoang sơ, mới mẻ đối với du khách.

+ Ngày 1: TP HCM - Cổ Thạch - chùa Hang - biển Cổ Thạch

5h: Bạn ra bến xe Miền Đông chọn tuyến TP HCM - Tuy Phong (300 km). Xe dừng ở thị trấn Liên Hương (Tuy Phong). Nếu đi với gia đình hoặc nhóm đông bạn bè, bạn cũng có thể thuê xe riêng ở các trạm xe du lịch để chủ động về thời gian và lịch trình tham quan.
Dulichgo
Trên cung đường di chuyển, bạn ngắm nhìn núi Chứa Chan (thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai) sát  Quốc lộ 1. Ngọn núi cao 837 m so với mặt đất và 1.800 m so với mực nước biển, gắn liền với giai thoại khẩn hoang Nam Bộ thuở xưa.

11h: Đến thành phố Phan Thiết và dùng bữa trưa. Sau đó tiếp tục khởi hành đi Cổ Thạch.

14h30: Đến Cổ Thạch, bạn nhận phòng ở các khu nghỉ dưỡng hoặc nhà trọ bình dân cách bãi biển 3 phút đi bộ, với giá dao động từ 200.000 đồng một phòng đôi, có cả loại phòng dành cho gia đình 6 hoặc 8 người.

15h30: Vãn cảnh quần thể chùa Cổ Thạch (còn gọi là Chùa Hang) hơn 100 năm.

Từ khu nhà trọ sát biển, bạn đi bộ một đoạn chừng 5 phút, leo lên ngọn đồi đá rộng 4 ha, cao 64 m qua các bậc thang đá là đến quần thể chùa Cổ Thạch. Quần thể chùa đã tồn tại 180 năm giữa những hang động. Mỗi hang có các am, điện thờ với lối kiến trúc, họa tiết trang trí cổ điển. Bước lên từng phiến đá, len lỏi vào mỗi hang để chiêm bái, tỏ lòng thành kính trước những vị Phật, bạn sẽ cảm nhận được sự uy nghiêm nơi đây.

16h30: Buổi chiều mát, bạn thỏa thích ngụp lặn trong làn nước biển Cổ Thạch trong vắt. Thưởng thức bánh tráng ruốc - món quà vặt đặc trưng vùng duyên hải miền Trung. Bánh tráng mè đen phết một lớp mắm ruốc, trứng cút, hành thái nhuyễn, nướng trên vỉ than hồng.

18h: Dọc bãi biển có các hàng quán bán các loại hải sản như cua, ghẹ, sò, ốc. Đặc biệt món sò điệp và sò huyết nướng mỡ hành ngon nức tiếng Cổ Thạch, chấm với muối tiêu chanh.

+ Ngày 2: Lăng Ông Nam Hải - đồi cát Nam Dương - núi Tà Cú

7h30: Bạn đi xe ôm từ khu vực gần chùa Cổ Thạch đến Lăng Ông Nam Hải (cách 1 km) thuộc xã Bình Thạnh. Người dân địa phương tin rằng, cá Ông là tướng quân của Long Vương, được giao nhiệm vụ bảo vệ tàu thuyền. Ngư dân đã xây dựng lăng thờ cá Ông từ thời vua Minh Mạng. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, lăng vẫn giữ được nét cổ kính, giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc.

Cổng chính của lăng có hai tầng. Tầng dưới hình bán nguyệt để người dân ra vào. Tầng trên đắp nổi tượng Phật Bà Quan Âm, cùng với những linh vật khảm xà cừ, trang trí theo lối kiến trúc xưa như con cá kình (ngư long hí thủy), hai rồng (lưỡng long triều nguyệt) và hai hổ (long hổ triều viên). Khu chánh điện có 5 gian thờ, phía sau là tủ kính thờ cốt cá Ông. Mỗi năm vào tháng 6 âm lịch, người dân Cổ Thạch tổ chức lễ hội nhằm thể hiện lòng biết ơn cá Ông, cầu cho mưa thuận gió hòa.
Dulichgo
Sát bên lăng Ông Nam Hải là đồi cát bao la với những độ cao khác nhau. Bạn có thể thư giãn bằng cách trượt cát và ngắm những đường vân cát đẹp mắt.

10h: Khởi hành đi Tà Cú.

Khu du lịch núi Tà Cú cách thành phố Phan Thiết 30 km, nằm ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Núi Tà Cú là nơi bảo tồn thiên nhiên quốc gia với thảm động thực vật đa dạng, quý hiếm có tên trong danh sách đỏ của thế giới và có phong cảnh hữu tình.

12h: Dùng bữa trưa ở khu du lịch dưới chân núi.

13h30: Đi cáp treo lên tham quan chùa trên núi.
Dulichgo
Để lên tới đỉnh ngọn núi nằm trong khu rừng, bạn có thể chọn hình thức leo núi hoặc đi cáp treo. Đường lên chùa núi dài hơn 2 km, qua nhiều chặng dốc. Càng lên cao, triền dốc càng nghiêng. Điển hình là dốc Bằng Lăng cao nhất, nghiêng 45 độ và có nhiều cây bằng lăng nở hoa tím một góc rừng. Tiếp đến là dốc Yên Ngựa với một tảng đá lớn như bộ phản nằm nghiêng bên khe suối, gợi lên hình ảnh bàn cờ của các vị tiên.

Ra khỏi cáp treo, bạn tản bộ một đoạn khoảng 100 bậc thang là đến quần thể chùa Núi (gồm chùa Trên, chùa Dưới đều quay mặt về hướng đông nam), với đặc trưng kiến trúc theo Phật giáo Bắc Tông: mái chùa cong lợp ngói âm dương, lưỡng long chầu nguyệt… nhuốm màu rêu phong theo thời gian. Đứng ở đây, bạn phóng tầm mắt nhìn ngắm một vùng biển trời mênh mông đến vô tận, hít thở bầu không khí thoáng đãng, mát mẻ.

Đỉnh núi Tà Cú nổi tiếng với pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất Ðông Nam Á, dài 49 m, cao 11 m, trong tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay. Tượng được khởi công xây dựng từ năm 1962 và thu hút hàng triệu lượt du khách đến chiêm ngưỡng.

18h: Dùng bữa tối tại nhà hàng và nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi ở thành phố Phan Thiết.

+ Ngày 3: Dinh Thầy Thím - TP HCM

7h30: Dinh tọa lạc giữa rừng Bàu Cái, nằm trên địa phận thôn Tam Tân (xã Tân Tiến, Hàm Tân, Bình Thuận), là khu di tích lịch sử văn hóa được nhiều người tìm đến để chiêm ngưỡng và cúng bái.
Dulichgo
Kiến trúc của dinh mang đậm nét cổ: mái ngói đỏ cong vút, các bức tượng đắp nổi trên vách, cột và nóc nhà do các nghệ nhân Huế phục dựng, những bức phù điêu, những cặp rồng uy nghiêm: một hướng thiên, một hướng địa trên các cây cột trước sân.

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một cặp vợ chồng vì tránh án tử oan của vua đã cưỡi rồng bay vào vùng đất Tam Tân, bốc thuốc cứu người, quy thuận muôn thú. Khi đôi vợ chồng ấy qua đời, muôn thú đắp mộ, nhân dân thờ cúng. Khi qua đời, họ vẫn phù hộ cho dân làng. Hàng năm vào dịp tảo mộ, có một đôi hắc bạch hổ về phủ phục. Tiếng tốt lan đến tai vua Tự Đức. Tìm hiểu căn nguyên, vua đã xóa bỏ án oan cho đôi vợ chồng và lập dinh để thờ cúng.

13h30: Dùng bữa trưa. Di chuyển về TP HCM.

Theo Hạnh Phan (New Zing)
Du lịch, GO!
Share on Google Plus

About Unknown

Bạn thích du lịch, ham "phượt" hay "Bụi một chuyến"? hãy cùng Du lịch phượt khám phát những nơi cần đến của bạn và dành cho bạn với hành trình chinh phục mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét